Mứt gừng Mỹ Chánh ở Quảng Trị - Thương hiệu trăm năm tuổi
Thực hiện tour Quảng Trị, bất cứ ai có dịp dừng chân nơi thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, vào những ngày giáp tết, đều thấy không gian nơi đây ngào ngạt hương gừng. Đó là khoảng thời gian vào vụ Tết khi mà nhà nhà người người đang bắt tay vào làm mứt gừng – một đặc sản đã trăm năm tuổi ở mảnh đất này.
Mứt gừng Mỹ Chánh được xem là đặc sản Quảng Trị làm quà rất giá trị. Vị ngon của mứt gừng với thương hiệu lâu đời ngoài vị ngon còn nhiều câu chuyện lý thú về mứt gừng nơi xứ sở của đặc sản này. Không ai nhớ nghề mứt gừng có từ bao giờ, họ chỉ nhớ đã hơn trăm năm ngôi làng này vẫn thường xuyên làm mứt gừng và đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng đi khắp nơi. Từ nhỏ đến lớn họ đã quen với vị thơm ngon, cay nồng nàn của gừng, và quen với cái nghề làm mứt gừng với những bí quyết làm riêng biệt.
Ở làng Mỹ Chánh nhiều gia đình đã gắn bó với nghề này từ mấy chục năm nay. Và với họ nghề làm mứt gừng là một nghề khá cực nhọc, bởi phải trải qua rất nhiều công đoạn khác nhau, thế nhưng nơi đây nghề làm mứt như ăn sâu vào máu thịt, trở thành một nếp sống với họ, niềm vui của họ.
Từ những xe gừng tươi được mua về từ các tỉnh Tây nguyên như Đăk Lăk, Kon Tum những người dân nơi đây sẽ gọt vỏ, đem thái lát mỏng rồi rửa sạch và đem đi luộc cùng nước chanh cho thơm. Tất nhiên, luộc với nước chanh với tỉ lệ thế nào thì đó là bí quyết riêng của từng hộ gia đình nơi đây.
Sau khi luộc cùng nước chanh sẽ đến công đoạn rim để cô đặc gừng. Đây được xem là một công đoạn cực kỳ khó, và ở đây cũng chỉ dành cho những ai có tay nghề cao, có kinh nghiệm nhiều năm mới được đảm nhận. Trong công đoạn rim gừng thì khó nhất là bí quyết giữ mức lửa ra sao để gừng chín tới, không cháy mới là công phu nhất. Và ở mỗi giai đoạn các xoong gừng sẽ chuyển bếp ở các nhiệt độ khác nhau. Và cuối cùng là trộn đường với gừng với tỉ lệ thích hợp nhất để làm nên những miếng mứt gừng cay nhẹ, nồng nàn với vị độc đáo.
Ở làng Mỹ Chánh hôm nay có chừng 20 hộ làm mứt gừng và mỗi hộ sản xuấ từ 5 đến 15 tấn mứt gừng trong chừng 20 ngày. Đó là một nghề làm ra tiền, nhưng với những người dân nơi đây thì mứt gừng là một phần trong nếp sống của họ từ trăm năm nay.