Đặt Tour: 0902 107 107

Ngọ Môn Huế có gì? Review chi tiết từ A đến Z

Cổng Ngọ Môn là cổng chính của kinh thành Huế, nơi đây không chỉ là một công trình kiến trúc đỉnh cao mà còn là biểu tượng lịch sử, văn hóa và du lịch của mảnh đất cố đô. Nếu bạn đang lên kế hoạch du lịch Huế vào một ngày gần nhất thì đừng quên ghé thăm công trình cổ đặc sắc này nhé.

1. Giới thiệu Ngọ Môn Huế

Ngọ Môn là một trong những công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu và đặc sắc của miền núi Ngự sông Hương. Đây là một bộ phận của quần thể di tích Kinh Thành Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Mặc dù đã được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ rưỡi và hứng chịu biết bao sự tàn phá của chiến tranh nhưng với kỹ thuật xây dựng đỉnh cao Ngọ Môn Huế vẫn tồn tại bất biến. 

cong-ngo-mon-hue

Cổng Ngọ Môn Huế nhìn toàn cảnh 

ngo-mon-hue

Ngọ Môn Huế nguy nga, lộng lẫy trong mắt của nhiều du khách 

Đến với Ngọ Môn Huế, du khách sẽ được một lần hồi tưởng lại nơi ở của triều đại phong kiến, tìm về với cội nguồn và lịch sử oai hùng của dân tộc. Xưa kia, nơi đây là nhân chứng chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng như: Lễ ban sóc ở triều Nguyễn, lễ Truyền lô (đọc tên tiến sĩ tân khoa),… 

mo-ta-ve-ngo-mon-hue

Công trình là giá trị nghệ thuật tiêu biểu cho đến tận ngày nay

Ngày nay với những giá trị nghệ thuật và kiến trúc hoàn mỹ còn nguyên vẹn. Ngọ Môn Huế là điểm du lịch được đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé thăm. 

2. Ngọ Môn Huế ở đâu?  

Ngọ Môn nằm ở bờ bắc sông Hương và án ngữ ngay tại vị trí trung tâm của thành phố Huế. Để di chuyển đến đây bạn có thể sử dụng các phương tiện như xe máy, xe đạp, ô tô. Trong đó việc đi xe máy hoặc xe đạp là phương án được nhiều du khách lựa chọn để khám phá địa danh nổi tiếng này.

cong-ngo-mon-tai-hue

Cổng Ngọ Môn thuộc địa phận của thành phố Huế . @nhaatminnh

3. Nên đến Ngọ Môn Huế vào lúc nào?

Thuộc vùng khí hậu giao thoa giữa 2 miền Nam – Bắc nên thời tiết ở Huế không quá khắc nghiệt và khá ôn hòa. Mùa ở bão ở đây bắt đầu từ tháng 5 – 11, vì vậy bạn cần theo dõi kỹ diễn biến biến thời tiết trước khi lên đường. Trừ mùa mưa bão thì khoảng thời gian còn lại, khí hậu tại Huế khá dễ chịu nên đây là thời điểm lý tưởng để du lịch Huế và tham quan Ngọ Môn.

den-ngo-mon-luc-nao

Giao mùa là thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Huế cũng như Ngọ Môn. @tram.anh_

Ngoài ra, vào khoảng tháng 4 và tháng 6 hàng năm, Huế thường tổ chức Festival nên du khách ghé đến đây rất đông. Đây cũng chính là thời điểm mà ở khu vực Ngọ Môn thường diễn ra các hoạt động biểu diễn nghệ thuật vô cùng hấp dẫn.   

thoi-diem-den-ngo-mon-hue

Hãy để ý thời gian diễn ra festival để đến Ngọ Môn nhé 

4. Lịch sử Ngọ Môn Huế

Ngọ Môn thời xưa được xem như là bộ mặt của Hoàng Thành Huế và cả triều đại phong kiến. Công trình này được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng – vị vua thứ hai của triều Nguyễn.

Được biết vào năm 1833, trong một cuộc quy hoạch, trùng tu toàn diện Hoàng cung triều Nguyễn, vua Minh Mạng đã chỉ thị xây dựng cổng Ngọ Môn. Cũng tại vị trí này trước kia có công trình Nam Khuyết Đài được xây dựng dưới thời vua Gia Long. Tuy nhiên để xây dựng Ngọ Môn nên các kiến trúc này đã bị triệt giải toàn bộ.  

lich-su-ngo-mon-hue

Ngọ Môn được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng. @ms.phuong_

Ngọ Môn cũng chính là cổng lớn nhất trong tất cả cổng của Hoành Thành và hiện nay là địa điểm du lịch Huế cực kỳ nổi tiếng. Theo la bàn, phía nam thuộc hướng ngọ, vì thế tên gọi Ngọ Môn mang ý nghĩa về phương hướng, không gian chứ không phải về mặt thời gian. Tuy là cổng chính nhưng Ngọ Môn ít được sử dụng bởi mang tính nghi thức cực cao. Cổng chỉ được mở cửa vào những dịp trọng đại như tiếp đón sứ thần ngoại quốc.  

lich-su-hinh-thanh-ngo-mon-hue

Trước đây Ngọ Môn là nơi diễn ra các buổi lễ long trọng ở triều đình 

Xét về công năng, Ngọ Môn không đơn giản chỉ là cổng của Hoàng thành mà còn được sử dụng như một lễ đài. Mặt Ngọ Môn hướng về quảng trường rộng lớn. Đặc biệt, chính tại nơi đây đã chứng kiến ngày thoái vị của vua Bảo Đại vào ngày 30-8-1945 . Đây cũng chính là sự kiện đặt dấu chấm hết cho triều đại phong kiến Việt Nam.  

5. Giá vé và giờ mở cửa của Ngọ Môn Huế

5.1. Giá vé tham quan cổng Ngọ Môn

  • Người lớn: 150k/người
  • Trẻ em : 30k/người
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: miễn phí

Đặc biệt nếu đi vào dịp tour Huế Tết nguyên đán, ngày giải phóng Huế, ngày quốc khánh Việt Nam (2/9) thì Cổng Ngọ Môn sẽ được miễn vé vào cửa. 

5.2. Thời gian hoạt động của Ngọ Môn

  • Ban ngày: 5h00 – 17h00
  • Buổi tối: 19h00 – 22h00
gia-ve-ngo-mon-hue

Bỏ túi bảng giá vé khi đến Cổng Ngọ Môn nhé. @trangtrann.__

6. Kiến trúc của Ngọ Môn Huế 

Ngày nay Ngọ Môn là một tổng thế kiến trúc đồ sộ, nguy nga. Chiều cao ấn tượng và dáng đứng oai hùng của nó đã đột biến cả không gian, gây ấn tượng mạnh cho du khách khi đến thăm Ngọ Môn Huế. 

kien-truc-ngo-mon-hue

Ngọ Môn Huế là tổng thể công trình nguy nga đồ sộ 

Thoạt nhìn, Ngọ Môn có dáng dấp của Thiên An Môn (Trung Quốc). Điều đó cũng đúng bởi trước khi được xây dựng vua Minh Mạng đã cử người sang nước bạn để tham quan Thiên An Môn. Tuy nhiên khi tiếp cận, du khách sẽ thấy được Ngọ Môn đã có sự sáng tạo và sử dụng các kỹ thuật trang trí và thiết kế đỉnh cao của nước nhà. 

tong-kien-truc-ngo-mon

Ngày nay Ngọ Môn vẫn giữ nguyên vẹn giá trị thẩm mỹ kiến trúc tuyệt đỉnh. @vanmyhuyen96

Do được cải biên nên Ngọ Môn giờ đây đã trở thành một tuyệt tác kiến trúc xinh xắn, gần gũi với cảnh sắc thiên nhiên và tâm hồn, tình cảm của con người đất Việt.

6.1. Cấu trúc Ngọ Môn Huế

Ngọ Môn là một công trình kiến trúc đặc biệt, vì thế cấu trúc của nó cũng vô cùng khác lạ. Ngọ Môn có kiến trúc tổng thế là hình chữ U với phần lõm đặt phía ngoài. Cấu trúc này khiến nhiều du khách liên tưởng đến một cánh tay đang rộng mở chào đón quan khách muôn phương.

cau-truc-ngo-mon-hue

Cấu trúc của Ngọ Môn Huế gây choáng ngợp chu khách 

Về cấu trúc, có thể chia tổng thể Ngọ Môn thành hai phần chính: phần nền đài với 5 cửa trổ xuyên qua và lầu Ngũ Phụng – một kiệt tác đồ sộ nằm trên nền đài.

6.2. Hệ thống điện đài ở cổng Ngọ Môn

Hệ thống điện đài được xây dựng với chiều cao 5m so với mặt nền chung. Tổng thể, đài có hình chữ U vuông góc với phần đáy dài 57,96m, mỗi cánh lại dài 27,5m. Tổng diện tích của khu nền đài khoảng 1.400m2.

Vậy liệu chính để xây kiến trúc nền đài là từ gạch vồ và đá thanh. Các loại gạch này khá mỏng, được nung ở nhiệt độ cao lại được kết hợp với mảnh vữa trơn tạo ra những bức tường bằng phẳng. Các loại đá xanh sử dụng xây dựng được các nghệ nhân ghè đẽo vuông vắn kết nối thành các điểm chạy viền quanh cánh cổng và điểm chân. Sự công phu này đã làm tôn lên vẻ đẹp và sự vững chắc cho Ngọ Môn.

nen-dai-ngo-mon-hue

Cổng Ngọ Môn là một tổng thể kiến trúc xa hoa. @gold_sam_sam

Phần nền đài còn có hệ thống bậc cấp dùng để di chuyển từ mặt đất lên nền đài được xây dựng ở hai bên thân đài và nằm sâu phía trong. Phần bậc đá này được bố trí thụt hẳn vào bên trong rộng 5,25m. Cách sắp xếp này thật khéo léo, tuy lộ thiên nhưng lại vô cùng kín đáo không làm xáo trộn đến hình khối của thân đài.

Mỗi hệ thống bậc cấp sẽ bao gồm 21 bậc đá được làm bằng đá thanh, chiều cao mỗi bậc là 22cm. Xung quanh phần nền đài là các bức tường lan can được tô vẽ bằng đủ loại gạch hoa đúc rỗng tráng men nhiều màu sắc.

nghe-thuat-kien-truc-nen-dai-ngo-mon-hue

Ở bất cứ đâu du khách cũng hoàn toàn chìm đắm trong kiệt tác kiến trúc độc đáo này. @lisatian23

Tiếp theo là đến phần trổ xuyên qua thân đài gồm 5 chiếc cửa. Trong đó 3 cửa trung tâm nằm song song nhau. Chính giữa là Ngọ Môn cổng chỉ dành cho vua đi. Hai cổng nằm ở bên trái và bên phải lần lượt là Tả Giáp Môn và Tả Hữu Môn, nơi đây là cổng dành cho quan võ, quan văn cùng đoàn ngự đạo.

Hai cổng ở ngoài cùng là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho voi ngựa theo hầu và binh lính. Hai cánh cổng này có cửa thiết kế lối đi hình chữ L, được xây thêm một cửa sổ hình tròn khắc hình chữ thọ trên bức tướng hướng ra ngoài phần thân đài. Các cửa sổ này sở hữu đường kính 87cm, đặt chéo góc 300 độ nhằm lấy ánh sáng thêm cho phía đường hầm.

kien-truc-nen-dien-ngo-mon-hue

Đến Ngọ Môn du khách sẽ được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao. @hanhchipp

Bên trên của 5 cánh cổng này đều được xây theo kiểu vòm cuốn chủ yếu được ốp bằng đá thanh. Ở hai đầu của các lối đi đều được bố trí hệ thống xà đồng hình chữ nhật sắp xếp ngang dọc. Chính nhờ hệ thống này đã giúp phần thân đài trở nên rắn rỏi, vững chắc để nâng đỡ kiến trúc đồ sộ lầu Ngũ Phụng ở bên trên.

6.3. Lầu Ngũ Phụng ở cổng Ngọ Môn

Sở dĩ được gọi là Lầu Ngũ Phụng bởi công trình này được ví như 5 con chim phụng hoàng đậu cạnh nhau. Đây là cách gọi được lấy từ điển tích năm xưa. Trên thực tế, lầu Ngũ Phụng là tổ hợp kiến trúc nguy nga bao gồm 9 lầu nhỏ được ghép liên tục. Những ngôi lầu nhỏ đều có 2 tầng nhưng quy mô lại không giống nhau. Lầu Ngũ Phụng được chia thành 5 lầu chính, 4 lầu phụ và gồm 3 dãy bố trí thẳng góc với nhau. Dãy chính là phần ở giữa nằm ngay ở phần đáy chữ U.

cong-trinh-khu-van-lau-hue

Một góc của Lầu Ngũ Phụng. @masbuw

Toàn bộ 9 tòa lầu được kết nối với nhau vô cùng tài hoa từ khung nhà đến mái lợp. Đặc biệt, chỉ có duy nhất lầu chính ở trung tâm là được lợp ngói ống lưu li màu vàng, những tòa còn lại đều sử dụng ngói xanh lưu li.

Lầu Ngũ Phụng được xây dựng trên độ cao 1,14m so với nền, nằm ở trên phần nền đài cao hơn 5m. Bộ khung của Lầu Ngũ Phụng được dựng từ 100 cây cột làm bằng từ gỗ lim. Trong đó, 48 cây cột phía trong đâm xuyên qua cả 2 tầng. Chính nhờ hệ thống cột và khung chắc chắn đã bảo vệ cho 9 mái vòm của lầu đứng vững trước mọi thiên tai.

lau-ngu-phung-hue

Du khách cảm thán trước sự nguy nga của lầu Ngũ Phụng. @petitemyopia

Tầng lầu phía bên dưới của Lầu Ngũ Phụng hầu hết diện tích đều đang để trống. Ở tầng trên, các mặt trước của lầu trung tâm được dựng cửa lá sách, xung quanh là hệ thống ván. Bên cạnh đó, lầu còn có các cửa sổ với các kiểu dạng phong phú như hình chiếc khánh, hình rẻ quạt, hình tròn,... Nhờ những cửa sổ này kết hợp với các lan can con tiện, lan can gạch hoa ở viền nền đài đã mang đến cho kiến trúc Ngọ Môn sự dịu dàng, thanh tú.

Hệ thống mái của Lầu Ngũ Phụng được chế tác tinh tế, công phu. Phần bờ nóc, bờ quyết được trang trí hình con rồng làm bằng sành sứa và vôi vữa. Phần chính giữa bờ nóc của tòa lầu giữa có các bình hồng lô rực rỡ sắc vàng. Nhờ bàn tay xây dựng khéo léo của con người nên du khách đến đây đều cảm nhận được sự duyên dáng nhẹ nhàng ở phần mái của Lầu Ngũ Phụng.

ve-dep-lau-ngu-phung-tai-hue

Lầu Ngũ Phụng được xây dựng tỷ mỷ, công phu. @ngocamtu90

Tuy được lấy cảm hứng từ Thiên An Môn nhưng các nhà kiến trúc xưa của nước ta đã có sự sáng tạo, biến tấu để phù hợp với văn hóa người Việt. Cũng chính vì thế cho đến ngày nay, Ngọ Môn vẫn là một tuyệt tác kiến trúc đỉnh cao của cả nước nói chung và xứ Huế nói riêng.

7. Lưu ý khi đi Ngọ Môn Huế  

7.1. Chủ động đặt phòng mùa Festival

Vào tháng 4 tháng 6 các năm chắn tại Huế cũng như tại Ngọ Môn sẽ diễn ra festival thì hệ thống lưu trú, vé xe đều trong tình trạng quá tải. Vì vậy, nếu đến Huế vào thời điểm này thì hãy chủ động book lịch, book phòng sớm. 

luu-y-den-ngo-mon-hue

Đừng quên book vé, book phòng trước nhé. @tuananhbui1905

7.2. Chú ý trang phục khi đến Ngọ Môn Huế

Khi đến Ngọ Môn Huế du lịch thì du khách nên ăn vận lịch sự, không được mặc áo sát nách, quần áo ngắn bởi đây là nơi cung điện có sự tôn nghiêm. Tuyệt đối bạn cũng không được chụp ảnh phần nội thất bên trong đâu nhé.

chu-y-trang-phuc-ngo-mon-hue

Bạn nên mặc những trang phục kín đáo, lịch sự. @trangbui4676

7.3. Không được mang theo chất cháy nổ khi vào Ngọ Môn

Bạn hãy lưu ý rằng nếu đến cổng Ngọ Môn thì tuyệt đối không được mang chất nổ, dễ cháy vào trong. Đặc biệt, khi đã bước chân vào di tích thì không được hút thuốc lá.

chu-y-den-ngo-mon-hue

Tuyệt đối không mang chất dễ nổ vào quần thể di tích này nhé. @uctrang97

Cho dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, Ngọ Môn Huế đến nay vẫn hiên ngang đứng vững theo năm tháng. Với nghệ thuật xây dựng đỉnh cao, công trình này đã trở thành một biểu tượng cho trí tuệ, cho lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam.

Thu Mơ



Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook