Đặt Tour: 0902 107 107

Về Gò Đen nhấp chén rượu nồng

Từ khi du lịch Long An chưa được chú ý nhiều thì những đặc sản của vùng đất này như gạo hay rượu Gò Đen đã như tiếng trống vang trước mở đường. Có thể xem, đặc sản của xứ này, tựa như đại diện tiêu biểu cho một thương hiệu du lịch địa phương, có nét thi vị riêng mà nhất định du khách phải khám phá vào một ngày nào đó.   

Nói về Rượu Gò Đen, hẳn ai cũng phải công nhận, đúng như đã được mệnh danh là mỹ tửu, rượu Gò Đen có hương vị khá độc đáo và đặc biệt là “nặng”. Ai không có tửu lượng cao thì chỉ dám nếm qua cho biết, chứ không đủ can đảm để cạn “chén tạc chén thù” như các loại rượn thông thường. Rượu Gò Đen ngon được cho là bởi người dân Làng nấu rượu Gò Đen có cách chọn nguyên liệu kỹ lưỡng, cũng như bởi vị ngon tinh khiết từ chính các loại gạo địa phương như nếp mù u hay nếp than đen tuyền. Người Gò Đen cũng thường nấu các loại gạo nếp khác như: nếp mỡ, nếp hương, nếp thổ địa,…


ruou-go-den

rượu Gò Đen


Họ chăm chút từng hạt nếp, cục men, theo dõi kỹ càng giai đoạn chưng cất, để được loại rượu ngon nhất. Thế mới biết, rượu ngon đâu chỉ có khâu chọn nếp là bước quan trọng quyết định. Muốn được rượu trong thì ngoài khâu chọn nếp như nếp phải rặt, không được lộn hạt gạo tẻ nào, còn phải chú trọng suốt các công đoạn còn lại như nấu cơm, ủ men, canh kỹ khi chưng cất. Ví như kinh nghiệm chọn nếp cũng phải là dân xứ gạo, mới chọn đúng loại nếp hạt tròn, mẩy, có mùi thơm, trắng đục đều, để bảo đảm dư vị ngon đặc trưng của rượu. Chọn nếp ngon nấu thành cơm nếp cũng đòi hỏi sự tỉ mẩn chú ý, nấu cơm thôi nhưng cũng phải rất cẩn trọng, không được để nhão mà cũng chẳng được để cơm bị khô. Tất cả các mẻ cơm để nấu rượu, đều phải là những nồi cơm ngon nhất, vừa chín nhất. Cơm nấu chín ngon sẽ được thanh mỏng để nguội, sau đó men được rắc lên và ủ. Loại men dùng để ủ phải là men mài rễ thảo mộc hoặc men bí truyền chế từ các vị thuốc bắc: quế khâu, đinh hương, trần bì, quế chi, đại hồi cộng thêm nhãn lồng, trầu hương...

Sau ba đêm ủ, sẽ tiếp tục chan nước, rồi để ba đêm sau nữa mới nấu để chưng cất rượu. Đếm sơ qua, chỉ riêng khâu ủ men truyền thống cũng đã mất gần một tuần. Qua những chi tiết như thế thử hỏi làm sao rượu Gò Đen lại không ngon cho được. Đấy là chuyện nấu rượu chung chung của người Gò Đen, chưa kể đến bí quyết hay bí truyền, hay cách giữ rượu thành phẩm bằng hũ sành bịt kín, ngâm dưới ao nước cả 100 ngày rồi mới thưởng thức.

Rượu Gò Đen Long An, tính đến nay cũng đã khá nhiều tuổi, bởi xuất hiện được cho là chính thức từ hồi Pháp thuộc. Nhưng chắc chắn, rượu ngon của đất Long An trù phú này, hẳn là còn phải có từ trước đó. Qua năm tháng, vị ngon của rượu Gò Đen Long An, vẫn cứ là mỹ tửu, cũng vẫn là đệ nhất với nhiều người biết thưởng thức men nồng hơi cay. Dù bạn có là người biết hoặc thích rượu hay không, nếu có dịp đi tour du lịch đến Long An, cũng đừng quên mang một chút rượu địa phương về làm quà, hoặc chí ít, nó cũng là sản vật minh chứng rằng, bạn đã từng đặt chân đến quê hương của một loại mỹ tửu nổi tiếng dọc Nam Bắc của đất nước.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook