Đặt Tour: 0902 107 107

10 món ngon nên thưởng thức khi đến Hội An

Phố cổ Hội An luôn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Việt Nam, được rất nhiều các công ty tổ chức tour du lịch đầu tư và quảng bá. Hội An với những con phố nhỏ cố kính, mang những nét trầm mặc, bình yên nhưng không kém sự lãng mạn và quyến rũ. Nơi đây còn có một “thứ vũ khí lợi hại” để níu chân người đi đó là nét đẹp ẩm thực. Những món ngon của Hội An vừa mang nét đặc trưng của ẩm thực miền trung, vừa có những biến tấu khác lạ tạo nên sự thích thú và ngon miệng cho thực khách.

Vậy đi Hội An ăn gì ngon? Bài viết này sẽ liệt kê 10 món ngon nhất mà du khách không nên bỏ lỡ khi có dịp đến với Hội An.


mon-ngon-hoi-an

Món ngon Hội An


1)     Cơm gà Hội An: gạo để nấu cơm gà phải là loại ngon, thơm và dẻo, ướp gia vị rồi nấu với nước luộc gà và lá dứa bằng lò củi. Gà được dùng là loại gà ta còn tơ, thịt mềm mà không bở, chắc mà không dai, da mỏng thịt thơm. Sau khi luộc, thịt gà được xé nhỏ ra rồi bóp với hành tây, hành phi, muối tiêu và rau răm. Cuối cùng là bày cơm ra đĩa, cho gà đã xé lên cơm, ăn với hành tây, đu đủ chua, rau thơm Trà Quế, nước tương và tương ớt. Ngoài ra, còn có một chén súp trộn tim, gan, cật gà ăn kèm. Món ăn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, tạo ra một món cơm thơm ngon đặc trưng. Các tiệm cơm gà tập trung nhiều nhất trên đường Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Lê Lợi...

2)     Cao lầu: là món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng có nhiều nét khác biệt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng. Cao Lầu Thực sự hấp dẫn và lôi cuốn nên thật là đáng tiếc khi ai đó đã tới với Quảng Nam mà chưa được thưởng thức Cao Lầu.

3)     Mì Quảng: mì Quảng từ lâu đã được biết đến như cái “hồn” của nghệ thuật ẩm thực đất Quảng nói chung và Hội An nói riêng. Một tô mì Quảng được bày trí nhiều màu sắc bắt mắt với màu trắng của mì, đỏ của ớt, cà chua, xanh tươi của rau. Hương thơm của thịt, đậu phộng rang và mùi vị ngọt, bùi, béo, cay, chua kết hợp cùng tạo nên tô mì hấp dẫn. Mì Quảng thường được ăn kèm với bánh đa nướng giòn rụm và rau sống.

4)     Bánh bao – bánh vạc: bánh bao - bánh vạc Hội An là hai loại bánh có nguyên liệu và cách làm gần giống nhau và thường được bày chung trên một đĩa bánh. Nguyên liệu chính để chế biến hai loại bánh này là gạo, loại gạo thật trắng, nguyên hạt, dẻo, thơm, trồng trên ruộng đất sạch. Nhân bánh vạc được làm từ tôm đất giã nhuyễn trộn với một ít tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền. Nhân bánh bao được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi cũng xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một nguyên nhân khiến bánh bao – bánh vạc chỉ có thể ăn ngon ở Hội An. Món bánh này thường được dọn kèm với mì Quảng và Cao lầu.

5)     Bánh bèo chén: gạo để làm bánh bèo phải là loại ngon, nhân bánh bèo chủ yếu được làm từ những sản vật địa phương như tôm, thịt… Bánh bèo được đựng trong những chén nhỏ, khi phục vụ sẽ được bày lên khay, múc nhân đổ vào, thêm dầu mỡ, tương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn. Ăn bánh bèo phải dùng đến “dao tre”, đó là một thanh tre vót hình lưỡi dao. Kiểu ăn như thế cũng gợi bao sự hiếu kỳ cho khách và cũng là lối ẩm thực khác biệt giữa bánh bèo với các món ngon Hội An khác được chế tác bằng gạo. Tùy theo khẩu vị của người ăn mà bạn có thể thêm ít nước mắm hay tí ớt vào.

6)     Bánh tráng: bánh tráng Hội An cũng giống như bánh cuốn hay bánh ướt, nhưng thay vì là bánh tráng mỏng kèm với nhân mọc nhĩ thì ở Hội An, bánh tráng còn có thêm tôm chấy nữa. Khi ăn, bánh được rưới thêm mỡ hành rất thơm và ăn kèm chả lụa.

7)     Bánh xèo: bánh xèo Hội An là đặc sản chính hiệu của vùng đất phố Hội; khác hẳn các loại bánh xèo ở Miền Nam hay Miền Trung. Nguyên liệu chính để làm bánh xèo ngoài gạo, còn có thêm tôm, thịt dùng làm nhân bánh xèo. Bánh xèo Hội An là những chiếc bánh nhỏ, một người có thể ăn được nhiều cái. Ăn nóng, ngon, dòn, bánh phù hợp với các loại rau, giá, ăn với mắm nêm vào mùa mưa là thích hợp nhất. Khi ăn không dùng đũa, muỗng mà chỉ dùng tay.

8)     Bánh đập: Bánh tráng đập gồm 2 lớp, lớp bánh tráng nướng tương đối mỏng được nướng có màu hơi vàng. Khi ăn, người bán trải trên bánh một lớp bánh tráng mỏng mềm và dẻo, có độ lớn tương đương và dùng cạnh bàn tay để “đập” xấp bánh này làm đôi hoặc dùng tay xén nhẹ để bánh bể ra. Phần bánh tráng nướng vì dòn nên bị vỡ, phần bánh tráng mỏng kèm theo, có độ dẻo, mềm và dính nên giữ bánh tráng nướng lại, không bị rơi ra ngoài. Bánh đập được chấm với mắm nêm đặc trưng ăn rất ngon. Đây là món ăn được ưa chuộng của người dân miền trung, nhất là người Hội An để thay đổi các món có nhiều chất béo và mau ngán như các loại thịt, cá…

9)     Hến xào xúc bánh tráng: hến xào xúc bánh tráng chấm với nước mắm ngọt cay cũng là món ăn đặc trưng của người dân xứ Quảng. Hến từng con nhỏ được bắt từ dòng nước lợ đem về rửa sạch xào chung với hành phi, tỏi, rau răm xắt nhỏ khi trình bày rắc kèm đậu phụng tạo vị ngọn ngọt bùi bùi hòa lẫn vào nhau.

10) Chè bắp: một món ăn dân dã trở nên rất nổi tiếng ở Hội An bởi món chè này được chế biến từ bắp Cẩm Nam ngon có tiếng của xứ Hội. Chè có vị ngọt, thơm thanh tao và tự nhiên của bắp mới bẻ. Khác với chè của miền Nam, chè bắp Hội An không nấu với nước dừa nên có hương vị nguyên bản của bắp, chỉ khi ăn mới rưới chút nước cốt để có thêm vị béo.

Ngoài 10 món ăn kể trên, Hội An vẫn còn rất nhiều những món ăn đặc sắc khác đang chờ đợi du khách thưởng thức. Trong một tour Hội An 3 ngày 2 đêm, chắc chắn du khách sẽ không đủ thời gian để nếm thử tất cả các món ăn ngon; do đó, hãy chọn cho mình những món đặc sắc nhất để cảm được cái chất đặc trưng của vùng đất xứ Quảng.

[relatedbox title="Tham khảo thêm"]

Điểm tham quan ở Hội An

[/relatedbox]

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook