Về Bình Định, nhất định phải thử qua 8 món ăn gây thương nhớ này!
Về với Bình Định, người ta không chỉ xao xuyến bởi cái chốn vừa bình dị, vừa thân thương, con người lại hiền lành, chất phác quá đỗi mà còn lưu luyến bởi những món ăn chỉ ngon khi được đến tận đây thưởng thức. Không chỉ biết cách làm say lòng người với những cảnh quan đẹp như Gềnh Ráng, Kỳ Co hay Eo Gió mà Bình Định cũng rất biết níu chân người ở lại bởi những món ăn dân giã nhưng lại mang hương vị khó quên. Nếu có dịp ghé Bình Định, hãy ghi vào cuốn sổ tay nho nhỏ vài món sau, chớ bỏ lỡ lại uổng phí chuyến đi bạn nhé!
- Bún chả cá
Hẳn là xứ biển nên ở đây người ta mới làm chả cá từ một loại cá… sang trọng đến vậy: cá thu. Vốn là một loại cá ngon và đắt, từng miếng chả cá dai và giòn hòa quyện với nước dùng được hầm từ xương và đầu cá thêm các loại gia vị đặc trưng khiến khó ai có thể cưỡng lại được mùi vị thơm ngon của món bún chả cá này.
- Bún tôm Châu Trúc
Để có được món bún tôm này là cả một sự kỳ công của người nấu. Tôm phải chọn loại còn tươi nguyên, vừa bắt dưới đầm lên. Sau đó rửa sạch, bỏ đầu, đuôi rồi đem bỏ vào cối đá giã nhỏ với vài củ hành tươi, thêm chút tiêu, ớt,… Bún cũng được luộc thủ công và vớt sẵn để ráo nước, khi khách đến mới bắt đầu chế biến. Một tô bún là sự kết hợp hài hòa giữa muỗng thịt tôm đã giã nhuyễn, chút bột ngọt, nước mắm, rồi múc nước luộc bún đang sôi đổ vào bát quậy đều lên. Sau đó cho bún vào, rắc mấy cọng hành ngò, chút bột tiêu. Bún tôm thường đi kèm bánh tráng nướng giòn rụm. Chà, nếm thử một tô bún tôm Châu Trúc, bụng đã no nhưng miệng vẫn cứ thòm thèm…
- Bún sứa nước lèo
Vào mùa sứa, từ khoảng cuối xuân – đầu hạ, sứa biển rất nhiều, đây cũng là dịp sứa ngon và tươi nhất. Loại sứa được người dân dùng để chế biến thường là loại sứa chân, rất giòn. Khi gọi bún sứa, bạn có thể chờ nồi nước lèo sôi, sau đó nhúng sứa nhanh qua rồi thưởng thức. Hoặc bạn cũng có thể cho một ít bún vào tô, thêm vài miếng sứa nhỏ, một chút đậu phộng rang giã nhỏ, xoài xanh, rau sống, rau thơm sau đó chan nước lèo nóng lên. Mùi vị này, phải thưởng thức mới cảm nhận hết được vị thơm ngon của nó.
- Bánh hỏi Diêu Trì
Nếu bạn là “fan” của món bánh hỏi thì đích thực nơi đây là dành cho bạn. Người Bình Định ăn bánh hỏi thường thêm chút dầu đậu phộng hoặc dầu dừa đã khử hành chín. Sau đó, dầu ăn trộn với hẹ thái nhỏ rồi tẩm lên từng miếng bánh, rất dễ gây “nghiện”. Bánh hỏi đi đôi với cháo lòng, là món khoái khẩu của người đất võ. Cũng vì cách ăn này mà ở các quán ăn nào có bán bánh hỏi, thường cũng phục vụ kèm thêm đĩa lòng heo: dồi trường, gan, bao tử, dồi heo… tạo nên món bánh hỏi lòng heo rất ngon.
- Bánh xèo Mỹ Cang
Nhắc tới bánh xèo Mỹ Cang người ta nhắc ngay đến quán xèo của bà Năm. Quán là một căn nhà nhỏ, lợp mái tranh, phải để ý lắm bạn mới nhận ra được. Tuy quán đã cũ nhưng hương vị những chiếc bánh xèo tôm nhảy ở đây thì khỏi chê. Nếu bạn không đến sớm hoặc không gọi điện đặt trước thì có khi phải tiu nghỉu ra về khi mới… 9 giờ sáng. Chỉ cần trải miếng bánh tráng gạo ra, đặt vào đó một phần bánh xèo, thêm rau sống, dưa leo rồi cuốn lại, chấm trong nước mắm tỏi ớt xoài băm và thưởng thức. Bạn sẽ thấy dường như đây là món bánh xèo ngon nhất mà mình được thưởng thức. Hơn nữa, lòng hiếu khách và sự nhiệt tình của chủ quán cũng sẽ khiến bạn thương nhớ nơi này hơn nữa.
- Nem, chả , tré
Nem, chả, tré là những món ăn vô cùng quen thuộc ở Bình Định và có thể dễ dàng thưởng thức ở bất cứ đâu trên mảnh đất này. Với công thức rất riêng, nem chả ở đây có vị ngọt, giòn giòn, dai dai rất ngon và thanh. Đặc biệt, nem chua khi được nướng than, ăn kèm bánh tráng, rau thơm cùng nước mắm tỏi ớt thì càng thêm dậy mùi và khó lòng cưỡng lại được.
- Cua huỳnh đế
Đây là cua nổi tiếng của vùng biển Tam Quan và Đề Gi với bộ mai cứng và vàng rực như hoàng bào. Cua huỳnh đế có vị béo, ngọt và vô cùng bổ dưỡng. Có rất nhiều cách chế biến cua huỳnh đế níu chân khách phương xa như sốt me, rang muối, nướng, nấu cháo… nhưng đơn giản nhất là hấp, chấm với muối tiêu ớt xanh. Hãy cho ngay cua huỳnh đế vào danh sách nhất định phải thưởng thức khi ghé Bình Định nhé.
- Mắm nhum Mỹ An
Một 100 kg nhum sống chỉ làm được chưa tới 2 kg nước mắm chính là lý do khiến mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác nên nếu có cơ hội được thưởng thức hoặc gặp mua thì bạn hãy nếm thử ngay mùi vị của nó nhé. Nhum có rất nhiều loại nhưng để muối mắm thì nhất thiết phải là nhum ta màu đen. Sau khi cắt sơ những chiếc gai nhọn, người ta khoét một lỗ ngay miệng nhum và khéo léo lấy thịt nhum ra. Tiếp theo, thịt nhum được cho vào trong chum sành và rắc muối hạt lên. Chum nhum này được đem vùi vào bếp tro hoặc "rang” bằng nắng trong khoảng 10 đến 15 ngày, khi chín sẽ tạo thành loại mắm nhum nhuyễn tan, sền sệt với màu đỏ đục và hương thơm nức.
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ