Tử Cấm Thành Huế: có gì trong nơi ở của vua chúa nhà Nguyễn?
Tử Cấm Thành là một bộ phận thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế. Trước kia đây là nơi sinh hoạt của nhà vua và hoàng gia. Trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển Tử Cấm Thành ngày nay đã trở thành một điểm tham quan du lịch vô cùng hấp dẫn. Nếu có cơ hội đi tour Huế 3 ngày 2 đêm vào một ngày gần nhất, bạn đừng bỏ lỡ ghé thăm công trình kiến trúc độc đáo này nhé.
1. Giới thiệu Tử Cấm Thành Huế
Tử Cấm Thành là vòng thành thứ 3 của di tích Cố đô Huế. Đây được xem là cung cấm chỉ dành riêng cho vua và hoàng gia, ngay cả quan lại không phận sự cũng tuyệt đối không được lai vãng xung quanh. Thời xưa công trình này là khu vực trọng yếu của triều đình được vua chúa nhà Nguyễn quan tâm và bảo vệ đặc biệt.
Đến với Tử Cấm Thành du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm kiến trúc độc đáo mà còn được hoài niệm, nhớ lại những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc. Hiện nay, một số công trình tại Tử Cấm Thành có sự biến đổi khá lớn vì chiến tranh và thời gian.
2. Tử Cấm Thành ở đâu?
Tử Cấm Thành nằm ở ngay trung tâm của thành phố Huế thuộc phường Phú Hậu. Để di chuyển đến đây, du khách có thể sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau như xe đạp, xe máy, thuê taxi hoặc có thể sử dụng xích lô cũng được nhé.
3. Nên đến Tử Cấm Thành theo mùa nào?
Du khách có thể đến Tử Cấm Thành vào tháng tư hoặc tháng 6 các năm chẵn. Đây là thời điểm mùa festival tại Huế cũng như Tử Cấm Thành diễn ra với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật độc đáo.
Ngoài ra, tháng 1 và tháng 2 cũng là khoảng thời gian lý tưởng để du lịch Huế và tham quan Tử Cấm Thành bởi thời tiết lúc này đây vô cùng dễ chịu và mát mẻ.
4. Giá vé và giờ mở cửa tại Tử Cấm Thành Huế
4.1. Giờ mở cửa Tử Cấm Thành
- Mùa hè: 6h30 – 17h30
- Mùa đông: 7h00 – 17h00
4.2. Giá vé tham quan Tử Cấm Thành
- Người lớn: 120k/người
- Trẻ em (7 – 12 tuổi): 30k/người
- Trẻ em (dưới 6 tuổi): miễn phí
- Khách nước ngoài: 150k/người
Giá vé ở trên bao gồm cả thăm Hoàng Thành và khu Bảo Tàng
5. Lịch sử của Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành được khởi công xây dựng vào năm 1804, năm vua Gia Long đời thứ 3. Đầu tiên công trình này có tên gọi là Cung thành nhưng đến năm 1822 (năm Minh Mạng 3) thì được đổi tên là Tử Cấm Thành.
Theo thần thoại: Tử Vi Viên là chốn ở của Trời ở trên trời, vua là con trời nên nơi ở của vua cũng được gọi là tử. Cấm Thành là khu không cho phép dân thường ra vào, nơi đây chỉ dành riêng cho vua và các hoàng thất ở.
Tử Cấm Thành và cả Hoàng Thành Huế nói chung đều bị hư hỏng nặng kể từ khi quân Pháp tái chiếm Đông Dương. Cuối tháng chạp năm 1946 điện Cần Chánh, cung Càn Thành, điện Kiến Trung cùng một số dinh thự khác bị quân Việt Minh triệt hạ (lúc này quân đội ta đang áp dụng chiến lược tiêu thổ kháng chiến). Vào đêm ngày 19 tháng chạp Việt Minh đã đặt mìn làm sập cầu Tràng Tiền để cản bước tiến quân của quân Pháp.
Hơn 20 năm sau, quân đội Mặt trận Dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam chiếm giữ được Kinh Thành Huế. Trong lúc đó quân lực lượng Việt Nam cộng hòa và Quân đội Hòa Kỳ có cuộc chiến đấu ác liệt trong 25 ngày. Cuộc giao tranh này được ghi lại là “chiến dịch Mậu Thân 1968”. Chiến tranh nổ ra đã làm nhiều công trình ở Tử Cấm Thành vốn hư hại nay càng bị tàn phá nặng nề hơn. Nhiều nơi đã bị san phẳng và hiện chỉ còn lại phế tích.
Đến 2006, Nhà Nước đã trùng tu một số công trình trong Tử Cấm Thành với tổng mức kinh phí lên đến 82.7 tỷ đồng. Vì thế nhiều di tích vẫn được khôi phục và trở thành biểu tượng minh chứng cho thời kỳ phong kiến Việt Nam.
6. Kiến trúc của Tử Cấm Thành
6.1. Nét đẹp trong kiến trúc của Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành sở hữu không gian kiến trúc vô cùng lôi cuốn và bắt mắt. Cách phân bố các công trình đều được tính toán chính xác và có chủ đích nhất định. Vì thế, hệ thống kiến trúc tại đầy có sự liên kết khá chặt chẽ với nhau. Tất cả đã tạo nên hệ thống cung điện thực sự nguy nga, lộng lẫy hớp hồn không biết bao nhiêu du khách.
Tử Cấm Thành được xây dựng theo dạng hình chữ nhật. Chu vi của công trình này là 1.299,36m, độ cao thành là 3,72m, độ dày là 0,72m. Đặc biệt, tất cả công trình đều làm từ chất liệu gạch vồ. Một loại vật liệu thời xưa nổi tiếng với độ bền đẹp và sự chắc chắn.
6.2. Bố cục của Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành được phân bố thành nhiều khu vực chính. Phần bố cục của mặt nền công trình được thiết kế chặt chẽ, cân đối và hài hòa với nhau. Mọi di tích đều được đặt ở những vị trí cân đối theo từng cặp.
Khu vực Ngọ Môn tới lầu Tứ Phương vô sự là trục đường chính. Các vị trí khác như khu vực hậu, tiền, thượng hoặc các khu hữu, tả đều có sự nhất quán, đồng điệu.
Phần bố cục của Tử Cấm Thành được thiết kế tinh xảo và luôn trở thành chuẩn mực nghệ thuật trong việc thể hiện tư tưởng độc tôn quân quyền của các nhà vua, ông chúa. Không ngoa khi nói rằng, công trình này hệt như tiểu vũ trụ của cả khu hoàng cung rộng lớn. Nơi đây có đầy đủ mọi tiện nghi, tiện ích cần thiết như chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ sinh hoạt đáp ứng trọn vẹn nhu cầu sinh hoạt của vua và các vị hoàng thất.
6.3. Cấu trúc của Tử Cấm Thành Huế
Tử Cấm Thành có 7 cửa ra vào đủ 4 hướng đông, tây, nam, bắc. Hướng nam là cửa Đại Cung được làm từ gỗ và ngói lợp hoàng lưu ly. Phía đông là cửa Đông An và Hưng Khánh. Sau cửa Đông An là cửa Cấm Uyển và Duyệt Thị. Phía tây là cửa Gia Tường và Tây An. Cửa Nghi Phụng và cửa Tường An nằm ở phía bắc.
Bên trong Tử Cấm Thành sẽ có gần 50 công trình được xây dựng với các quy mô khác nhau. Cửa chính đi vào đây là Đại Cung được xây từ năm 1833. Sau đó sẽ là khoảng sân vô cùng rộng rãi. Tiếp đến là khu Cần Chánh, nơi vua làm việc và lắng nghe quần thần nêu ý kiến trong các buổi thiết triều.
Điện Cần Chánh có phong cách trang trí rất giống điện Thái Hòa. Gian giữa là nơi đặt vị trí ngai vua, hai bên tả hữu dùng để treo bản đồ. Khu vực tả Vũ và hữu Vũ là địa điểm quan văn võ chỉnh đốn trang phục và chờ đợi trước khi vào chầu. Phía Bắc chánh điện là viện Cơ Mật, phòng Nội Các nằm ở phía nam. Nơi đây trước kia chứa đựng nhiều tấu chương của các Bộ trình dâng lên. Phía sau của điện Cần Chánh là vị trí của Nội Đình. Các vua chúa thời xưa thường đến đây để ăn ở và sinh hoạt.
Điện Càn Thành là khu vực của vua ở, vì thế được thiết kế khoảng sân rất rộng lớn ở phía trước và có thêm cao sen. Đặc biệt, khu vực ở giữa được đặt bức bình phong thiết kế rất đẹp. Tuy nhiên do chiến tranh nên điện Càn Thành giờ chỉ còn lại phế tích.
Phía Bắc của điện Càn Thành là khu Thái Khôn. Khu vực này có điện Trinh Minh, Khôn Thái,... Tất cả đều là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của Hoàng Quý Phi và các phi tần. Dưới thời trị vì của vua Gia Long nơi đây được gọi là cung Khôn Đức mãi đến tận sau này mới được đổi là Khôn Thái.
Tiếp nối cung Khôn Thái là lầu Kiến Trung (còn được gọi là lầu Minh Viễn). Ngôi lầu này cao 3 tầng và được xây dựng vào năm 1827. Phần mái bên trên được dùng ngói hoàng lưu ly, đặc biệt phía trên của lầu được bố trí kính viễn vọng. Cũng bởi thế mà xưa kia, nhiều vị vua đã đứng tại Tử Cấm Thành để quan sát quang cảnh từ xa. Đến năm 1913, vua Duy Tân đã chỉ thị xây lại và đặt tên mới là lầu Du Cửu.
Ngoài các công trình trên thì Tử Cấm Thành còn có những lầu tạ và cung điện khác nhằm đáp ứng nhu cầu ăn uống, giải trí của vua chúa triều Nguyễn.
7. Tử Cấm Thành có gì hấp dẫn?
7.1. Thái Bình Lâu
Thái Bình Lâu là công trình được xây dựng từ năm 1919 – 1921 dưới thời vua Khải Định. Nơi đây là địa điểm để vua có thể đọc sách, nghỉ ngơi lúc rảnh rỗi. Tòa nhà này được xây dựng gồm tiền sảnh, hậu doanh, chính doanh được nối liền với nhau bằng hai máng thoát nước. Mặt nền Thái Bình Lâu cao 1m, phía trước là bốn chiếc cột trụ xây từ gạch trát vữa. Cụm chữ “Thái Bình Lâu” phía trước tòa do chính vua Khải Định ngự chế.
Ngôi nhà 2 tầng sau tiền sảnh là chính doanh. Phần mái của công trình này được lợp bằng ngói âm dương màu vàng. Đặc biệt phần trang trí vô cùng lộng lẫy với hình những con dơi tượng trưng cho Ngũ Phúc. Phần hậu doanh gồm 3 gian, ngói liệt được sử dụng làm mái, phía đầu hai hồi có đắp nổi hình ảnh ba ông già chúc thọ nhau.
7.2. Duyệt Thị Đường
Một địa điểm nữa mà trong những lời giới thiệu về Huế đều được nhắc đến là Duyệt Thị Đường. Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm 1826 dưới thời vua Minh Mạng thứ 7 và nằm bên trong Tử Cấm Thành. Đây là nơi dùng để biểu diễn các buổi trình diễn ca hát, tuồng chèo cho nhà vua, hoàng thất và các quan đại thần.
Ngày nay, Duyệt Thị Đường được xem là nhà hát lâu đời nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Vào năm 2004, công trình này được khôi phục lại và đưa vào sử dụng biểu diễn nghệ thuật nhã nhạc cung đình Huế.
7.3. Vườn Ngự Uyển Thiệu Phương
Vườn Ngự Uyển Thiệu Phương còn được gọi với một cái tên khác là Thiệu Phương viên được xây dựng từ năm 1828 (vua Minh Mạng đang trị vì). Để đến đây, du khách đi qua cửa Hưng Khánh thuộc Tử Cấm Thành.
Quanh khu vườn này được bao bọc bởi các bức tường gạch. Khu vực này nổi tiếng với cấu trúc “vạn từ hồi lang”. Xưa kia, Thiệu Phương Viên là mộ trong mười cảnh đẹp nhất thuộc quần thể di tích Cố đô Huế.
8. Tử Cấm Thành và những lưu ý khi đến tham quan
8.1. Trang phục thích hợp đến Tử Cấm Thành
Tử Cấm Thành là một công trình có giá trị văn hóa, nghệ thuật và mang nét đẹp uy nghiêm. Vì thế bạn không nên mặc những bộ trang phục hở hang hoặc tạo dáng phản cảm. Điều đó sẽ làm mất đi giá trị lớn lao của khu di tích có niên đại hàng trăm năm lịch sử.
8.2. Kem chống nắng
Để bảo vệ tuyệt đối làn da của bạn dưới ánh nắng mặt trời thì đừng bao giờ quên bôi kem chống nắng trước khi đến tham quan Tử Cấm Thành. Bạn cũng đừng quên mang theo nó cùng túi xách để có thể lấy ra dặm khoảng 20 phút/lần.
8.3. Nước uống
Để khám phá hết Tử Cấm Thành bạn sẽ mất khoảng thời gian khá dài và đi bộ không ít. Vì thế để đảm bảo được cung cấp năng lượng kịp thời khi thời tiết nắng gắt hay thấm mệt thì bạn đừng quên để sẵn để chai nước uống vào ba lô nhé.
Kinh Thành Huế là tài sản lớn của quốc gia. Mặc dù bị thời gian và chiến tranh bào mòn, khu di tích đã bị hư hỏng một số phần nhưng những giá trị về kiến trúc và trí tuệ con người vẫn còn vẹn nguyên cho đến tận ngày nay.
Thu Mơ
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ