No căng bụng với “bánh xèo chảo” đặc biệt chỉ có ở miền Tây
Trong một chuyến theo đứa bạn thân về quê ở Đồng Tháp, tôi đã được một lần tận mắt chứng kiến và nếm thử món “bánh xèo chảo” độc đáo. Chiếc bánh to đúng bằng cái chảo đáy trũng loại bự. Ăn một cái thôi no nguyên một chiều.
Bánh xèo to gấp 5 lần chiếc bánh xèo Sài Gòn
Hẳn bạn đã quá quen thuộc với những chiếc bánh xèo chỉ to hơn bàn tay một xíu ở các con hẻm hay quán xá Sài Gòn. Bánh thường được đúc trong những chiếc khuôn nhỏ, khá nhiều dầu mỡ.
Trái ngược với những chiếc bánh xèo vẫn thường thấy, bánh xèo miền Tây to gấp… 5 lần chiếc bánh xèo thông thường. Bạn có thể tưởng tượng nhà bạn có một chiếc chảo bự vẫn hay dùng để xào rau, đáy hơi trũng xuống. Bạn lấy chiếc chảo này đổ lớp bột bánh to bằng đúng đường kính của chiếc chảo. Lần đầu thấy bánh xèo này mình cũng vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Cứ nghĩ đến lúc được cho miếng bánh vô miệng là đã thấy phấn khích rồi.
Bánh xèo miền Tây khác với bánh xèo bình thường là rất ít mỡ nên ăn không ngán. Người ta không cho dầu vào chảo để đổ bánh mà sử dụng những miếng mỡ heo cắt thành hình vuông rồi đem chà xung quanh chảo. Lúc này mỡ được tráng đều chảo, giúp bánh không bị dính và cháy mà vẫn vàng giòn. Bánh tuy to nhưng vì háo hức cộng thêm bụng rỗng, mình đã ăn liền lúc… 2 cái.
Lần đầu được chứng kiến cách làm bánh từ khâu pha bột đến chuẩn bị nguyên liệu thực sự rất thích thú. Bột bánh pha sao cho vừa, không đặc quá cũng không loảng quá. Nếu thích có thể cho thêm lá hành xắt nhỏ để tăng gia vị.
Đặc biệt, phần nhân bánh đa dạng hơn so với bánh xèo khác. Ngoài nhân tôm, thịt thì còn phải có thêm củ sắn, giá, cà rốt. Bánh xèo thông thường thì nguyên liệu để sống, trong quá trình đổ bánh mới bỏ vào cho chín. Còn bánh xèo miền Tây, người ta ướp tất cả những nguyên liệu rồi xào chín trước.
Sau khi lớp bánh vàng giòn thì mới bỏ nhân đã chín vào rồi gấp đôi bánh lại, chờ thêm khoảng 1 phút nữa thì nhấc bánh ra. Để bánh khỏi dính vào nhau, người ta lấy lá chuối đã rửa sạch để giữa hai lớp bánh.
Bánh nóng ăn kèm với bánh tráng và các loại rau thơm thì đúng là số một. Đặc biệt, ngoài các loại rau thông thường như rau sống, húng quế, diếp cá thì bánh ở đây ăn kèm thêm với lá bằng lăng non, lá cát lồi, lá xoài non, đọt chùm ruột,…
Chấm bánh trong chén nước chấm tỏi ớt rồi cắn miếng bánh, lớp vỏ giòn mềm, lớp nhân ngập trong miệng thêm quả không còn gì ngon bằng.
Mỗi chiếc bánh gói trọn tình cảm người miền Tây
Người miền Tây hào sảng, hiếu khách nên có lẽ cũng vì sợ vị khách của mình ăn không đủ no nên mới làm ra chiếc bánh to như vậy chăng? Không có cách nào để kiểm chứng việc này nhưng tôi có thể chắc chắn rằng, tình cảm của họ chân chất và đáng yêu đến kì lạ.
Lần đầu xuống vùng sông nước, với tôi thứ gì cũng lạ lẫm và đầy thích thú. Tất nhiên, cũng không tránh khỏi việc ngại ngùng. Nhưng mọi cảm giác lạ lẫm đã biến mất ngay trong những giây phút đầu khi nghe tiếng chào đón vọng ra khi chiếc xe máy của chúng tôi vừa đậu trước nhà: "Hai đứa chạy xe về có mệt không con. Mau mau vô nhà uống nước rồi ăn trưa. Mẹ nấu sẵn hết rồi."
Trong vài ngày ở lại, suốt ngày hai bác cứ nhắc đứa bạn tôi: "Nghỉ ngơi rồi con dắt bé đi chơi cho biết. Đâu phải dịp nào cũng được xuống đây. Ba ở nhà tí ra sông bắt ít cá về nấu canh chua điên điển cho ăn hé."
Cứ thế, tôi ở lại mà không hề thấy khoảng cách, chỉ cảm thấy tình người ấm áp đến lạ kì.
Nếu một lần có cơ hội du lịch miền Tây, đừng quên thưởng thức món bánh xèo đặc biệt và cảm nhận hết cái tình người hào sảng của những người dân nơi đây nhé.
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ