Đặt Tour: 0902 107 107

Lễ Hội Kỳ An đình Châu Phú An Giang

Nhắc đến Châu Đốc An Giang, người ta thường nhớ đến lễ hội bà Chúa Xứ. Nhưng bạn có biết rằng, hằng năm nơi đây còn có lễ hội khá nổi tiếng, lễ hội Kỳ An đình Châu Phú. Theo chuyến du lịch Miền Tây lần này, bạn hãy dành thời gian ghé lại thăm ngôi đình, một niềm tự hào của người dân Châu Phú, An Giang.

Nếu chọn tour du lịch Châu Đốc 3 ngày 2 đêm trung tuần tháng năm âm lịch, du khách sẽ có cơ hội tham gia lễ hội Kỳ An đình Châu Phú, một lễ hội khá đặc sắc của người dân An Giang. Lễ hội là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn các vị thành hoàng Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu cùng hai vị chánh, phó vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh, những người đã có công khai khẩn vùng đất An Giang. Lễ hội được chính thức bắt đầu vào từ 7 giờ sáng ngày 10 tháng 5.


le-hoi-ky-an-dinh-chau-phu

Lễ Hội Kỳ An đình Châu Phú An Giang


Nghi thức quan trọng đầu tiên là lễ thỉnh “sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh” từ Nhà lớn về đình. Nghi thức này được diễn ra rất long trọng với xe hoa, long đình, chiêng, trống cùng học trò viếng lễ… Các vị chức sắc của đình áo dài, khăn đóng chỉnh tề hành lễ hầu phía sau kiệu rước. Kế đến là lễ thỉnh “ sắc thần Thoại Ngọc Hầu” tại phủ thờ của ông Nguyễn Khắc Mi, một người cháu nhiều đời của thần Thoại Ngọc Hầu về đình. Sau cùng là lễ thỉnh sắc thần hai vị chánh, phó vệ thủy Đỗ Đăng Tàu và Lê Văn Sanh. Sau nghi thức thỉnh sắc thần là nghi thức lễ chính thức tại đình Châu Phú.

 Lễ vật dâng lên cúng trong lễ túc kết gồm có một con heo trắng được làm sạch, một chén đựng huyết, một ít lông heo gọi là “mao huyết”, một mâm xôi, mâm trái cây, một mâm trầu cau, một đĩa muối gạo. Các lễ vật được bày trên bàn. Riêng con heo trắng được đặt sấp trên một giá gỗ cao. Đến giờ hành lễ, ông chánh đình tiến đến bàn thờ dâng hương rồi các chức sắc khác của đình cũng vào hành lễ. Sau khi thức dâng hương long trọng là ba hồi trống bắt đầu cho phần “ khởi chinh cổ”. Đây  là lúc mà ban nhạc lễ cùng các nhạc cụ truyền thống trỗi lên khởi đầu lễ dâng hương.

Sau khi dâng hương, người xướng lễ dâng thêm ba tuần rượu gọi là chuốc tửu và dâng trà gọi là tiệm trà lên bàn thờ. Ban nhạc vẫn tiếp tục trong lúc ban tế lễ quỳ xuống đọc văn tế như hòa thêm cho âm điệu văn tế thêm ngân nga, trang trọng. Sau khi dứt bài tế lễ, ông chánh đứng lên đốt tờ giấy nghi lời tế cùng một ít giấy tiền để kết thúc phần nghi lễ túc kết.

Điểm nổi bật của hội đình Miền Tây là hát bội. Bạn có bao giờ nghe đến hát bội? Đối với người Miền Tây sông nước, hát bội hầu như không thể thiếu trong các hội đình làng. Khởi đầu quan trọng của một vở tuồng hát bội là “xây chầu”. Ông chánh đình là người có nhiệm vụ quan trọng mở lễ xây chầu bằng một nghi thức nhúng cành dương vào tô nước trên tay cùng mấy lời nguyện cầu cho đất trời thêm thanh bình, đất thêm xanh tốt, người người sống lâu và quỷ dữ bị diệt vong. Sau lời cầu nguyện, ông tự tay đánh ba hồi trống  truyền cho ca công tiếp hát. Ngay lập tức, trống mõ của đoàn hát bội vang lên và vở tuồng chính thức bắt đầu. Những vở tuồng cổ truyền thống như Lưu Kim Đính, Trưng Nữ Vương, Sơn hậu hay Thần Nữ dâng ngũ linh kỳ,… là những vở tuồng thường hiện hữu trong những dịp hội đình. Lễ hội thu hút khá đông đảo người dân quanh vùng  tề tụ về Châu Phú. Họ mang theo lễ vật cùng trang phục chỉnh tề dự hội, cầu nguyện cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an cũng như những tâm ước riêng của họ.

Tham gia hội đình Kỳ An, bạn phải xem hát bội! Đó là một trong những điểm thú vị liên quan đến lễ hội, được nói đến nhiều trong các cẩm nang du lịch Châu Đốc. Kết hợp với việc tham quan lễ hội đặc sắc này, du khách còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng nổi tiếng của An Giang, cũng như sự thân thiện mến khách của đất và con người Miền Tây, thêm phẩn yêu mến mảnh đất này hơn bao giờ hết.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook