Đặt Tour: 0902 107 107

Lăng vua Đinh, vua Lê ở Ninh Bình

Có dịp đến tham quan du lịch Ninh Bình, hầu như khó có du khách nào có thể bỏ qua một lần đến thăm Lăng vua Đinh, vua Lê nổi tiếng. Cùng được xây dựng vào năm 1840, cùng được trùng tu vào năm 1885 và cùng tọa lạc trong khuôn viên của khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, lăng mộ của vua Đinh Tiên Hoàng cùng lăng mộ vua Lê Đại Hành đã thực sự thách thức thời gian qua vẻ đẹp uy nghi, thần bí của mình vẫn còn đó.

lang-cua-dinh-vua-le

Lăng vua Đinh

Gắn với những điểm du lịch Ninh Bình nổi tiếng như Lăng vua Đinh và vua Lê bao giờ cũng là những câu chuyện lịch sử dài hấp dẫn người nghe. Lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng nằm trên đỉnh Mã Yên Sơn. Sở dĩ lăng mộ của vua Đinh nằm ở giữa núi Mã Yên, nơi có hình võng xuống như yên ngựa là do người dân muốn lưu giữ hình ảnh vị anh hùng bất tử ngồi trên yên ngựa làm nhiệm vụ dẹp giặc, giữ nước. Lăng vua Đinh có toàn bộ kiến trúc được xây bằng chất liệu đá, vừa thể hiện được tinh thần vững chải của người trị vì, vừa qua đó bộc lộ sự hiền hòa gần gũi với thiên nhiên, con người. Từ lăng mộ vua Đinh trên đỉnh Mã Yên, phóng tầm mắt xuống khuôn viên khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư, du khách sẽ nhìn thấy đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng đang quay mặt về hướng Đông.

Đền thờ vua Đinh cũng như lăng mộ của vua, đó là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, với lối chạm khắc gỗ tinh xảo trong từng chi tiết. Trung tâm của đền thờ là tòa chính cung gồm có 5 gian, là nơi để thờ tượng vua Đinh và các con trai của ngài. Vòng ngoài bao bọc chính cung là tòa Thiêu hương – nơi thờ cúng tứ trụ triều đình nhà Đinh. Vòng ngoài bao lấy thiêu hương là sân rồng. Giữa sân rồng có đặt long sàng bằng đá, hai bên long sàng là hai con nghê đá ngồi chầu, thể hiện nét oai linh của đấng trị vì. Ngoài sân rồng là khu vực chính đạo. Vòng ngoài của khu vực chính đạo là Nghi môn. Ngoài nghi môn là Ngọ môn quan. Tất cả hợp thành một hệ thống kiến trúc kỳ vĩ xứng tầm với nơi thờ phượng vị vua Đinh Tiên Hoàng.

Bên cạnh đó, lăng và đền thờ vua Lê Đại Hành cũng là một khối kiến trúc độc đáo, thể hiện được tấm lòng thành kính của người sau đối với thế hệ đi trước. Lăng vua Lê được đặt dưới chân núi Mã Yên. Phong thủy tự nhiên xung quanh lăng đã chứng minh được tầm vóc của vị đế vương này. Hai bên lăng có hai quả núi theo hình “long chầu, hổ phục”. Cách đó không xa là đền thờ vua Lê.

Đền thờ vua Lê Đại Hành có vị trí thơ mộng, tỏa bóng xuống dòng Hoàng Long, đối diện với núi Đèn và tựa lưng vào núi Đìa. Du khách đi từ ngoài vào trong đền vua Lê sẽ bắt đầu đi qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài). Nghi môn ngoại vừa mở là lúc du khách cũng như vừa lạc vào không gian cung đình tái hiện. Bên trái mô phỏng hình ảnh chim phượng hoàng cất cánh, mỏ chim phượng hoàng quay về phía đền. Bên phải mô phỏng hình ảnh mãnh hổ ngồi chầu dưới gốc cây. Sau Nghi môn ngoại là sân rồng. Giống như đền vua Đinh, sân rồng ở đền vua Lê cũng được đặt long sàn bằng đá.

Kiến trúc bên trong đền được chia làm 3 gian chính. Một là bái đường, hai là Thiêu hương – nơi thờ người có công với vua là ông Phạm Cự Lượng, và cuối cùng là chính cung – nơi thờ vua Lê. Tại chính cung, gian giữa thờ Lê Hoàn, bên phải thờ Lê Long Đĩnh, bên trái thờ hoàng hậu Dương Vân Nga. Điểm nổi bật của đền thờ vua Lê là nghệ thuật tạc tượng đạt đến mức độ điêu luyện. Hình dáng của các pho tượng được tạc hơi rướn lên cao, bàn tay úp lên đùi. Các hoa văn dù nhỏ nhất trên mũ của vua hay của hoàng hậu đều được chạm khắc kỹ lưỡng.

Có thể nói, đi du lịch đến Ninh Bình thì đúng thật, chẳng thể bỏ qua khu di tích lịch sử - văn hóa Cố đô Hoa Lư. Và một khi đã vào khu di tích, thì nhất định du khách phải ghé thăm đền thờ, lăng mộ hai vị vua Đinh và vua Lê, để cảm nhận được hết sự hấp dẫn, ý nghĩa trong chuyến hành trình của mình.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook