Hành trình khám phá chùa Vĩnh Tràng linh thiêng
Chùa Vĩnh Tràng nổi bật với kiến trúc độc đáo và ấn tượng, kết hợp giữa 2 nền văn hóa Đông Tây cùng những pho tượng Phật khổng lồ. Du lịch Tiền Giang, du khách không quên ghé ngang ngôi chùa này để được hòa mình vào không gian yên tĩnh, tôn nghiêm cùng với khung cảnh tuyệt đẹp xung quanh chùa.
1. Địa chỉ và hướng dẫn đường đi
1.1 Địa chỉ
Chùa Vĩnh Tràng nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang
1.2 Hướng dẫn đường đi
Bắt đầu từ TP. Hồ Chí Minh đi theo hướng quốc lộ 1A đến trung tâm Thành phố Mỹ Tho. Sau đó, đi theo hướng tỉnh lộ 879 khoảng 3km đến công viên Vĩnh Tràng, rẽ trái khoảng 300m là tới chùa Vĩnh Tràng. Đây là một trong những địa điểm du lịch miền Tây khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến.
2. Sơ nét về chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang
Chùa Vĩnh Tràng (chùa Vĩnh Trường) là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây, có lịch sử lâu đời và trải qua nhiều sự thay đổi, tôn tạo. Theo sử sách ghi lại, từ thời vua Minh Mạng thì nơi đây chỉ là một cái am nhỏ được ông bà Bùi Công Đạt xây dựng.
Năm 1849, hòa thượng Đệ Đăng về trụ trì và cho khởi công xây dựng nên chùa Vĩnh Tràng. Qua nhiều thế hệ, chùa ngày càng rộng lớn, uy nghiêm và thu hút đông đảo du khách gần xa đến dâng hương, hành lễ. Trong 2 cuộc kháng chiến chống quân ngoại xâm, chùa Vĩnh Tràng là nơi lưu trú của biết bao chiến sĩ cách mạng. Dù cho địch nhiều lần tàn phá nhưng ngôi cổ tự vẫn giữ được nét kiến trúc vốn có của mình. Đến nay, nơi đây đã trở thành biểu tượng linh thiêng gắn liền với đời sống của người dân địa phương. Trong các tour miền Tây tết nguyên đán, chùa vẫn thu hút được khá nhiều khách tham quan đến chiêm bái, lễ lạy.
3. Kiến trúc độc đáo của chùa Vĩnh Tràng
Chùa có diện tích 14.000 m2, dài 70m và rộng 20m. Các gian nhà được xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m và rất vững chắc. Du khách đặt chân đến đây lần đầu sẽ không khỏi ngạc nhiên khi cảm nhận được sự độc đáo và ấn tượng trong kiến trúc của chùa Vĩnh Tràng.
Nét đẹp giao thoa giữa kiến trúc Á – Âu nhưng vẫn mang đậm nét truyền thống của người Việt. Chùa được xây dựng theo hình dáng chữ Quốc của Hán Tự gồm 4 gian nối tiếp nhau là Tiền đường, Chánh điện, nhà Tổ và nhà Hậu. Các gian nhà được xây dựng bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao và rất vững chắc.
Bên trong chùa Vĩnh Tràng có nhiều bao lam được chạm trổ rất công phu và tinh tế, điển hình là bộ bao Lam Bát Tiên Kỵ Thú đặt ở gian giữa. Hệ thống các hoành phi, tượng gỗ cũng được khắc khéo léo và tinh xảo tạo nên sự vững chãi cho ngôi chùa.
Bốn cột cái tại chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang đều treo long trụ. Nét đặc sắc ở đây là cách sắp xếp bố cục vô cùng độc đáo, chạm chim phượng đứng trên đầu rồng.
Phía trước chùa có 2 cổng tam quan kiểu võ vô cùng quy mô và tráng lệ, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu. Canh, mục, ngư tiều và mấy câu đối cũng được cấn bằng miếng chai nổi nhiều màu sắc sặc sỡ trông rất bắt mắt.
Mặt trước của tiền đường tạo cho du khách có cảm giác như đi lạc vào một ngôi chùa ở Cam-pu-chia với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và họa tiết đầy màu sắc. Tiểu xảo trong kiến trúc khá độc đáo và lạ mắt như gạch men của Nhật, bông sắt của Pháp, vòm cửa kiểu La Mã,…
Nối giữa chính điện và nhà tổ là một khoảng nhỏ có hòn non bộ. Đứng đây nhìn mặt sau của ngôi chính điện và phía trước nhà cổ du khách sẽ thấy lối kiến trúc Ro-ma với những hàng đá hoa nhiều màu sắc được trang trí trên thành nóc.
Ngoài ra, khuôn viên của chùa còn có sân kiểng, ao sen và nhiều cây cổ thụ lớn, lâu năm cùng một số vườn cây ăn trái. Du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, thoáng mát cùng với không gian yên tĩnh, thanh bình nơi đây.
Kiến trúc chùa Vĩnh Tràng là sự kết hợp hài hòa giữa những nhà kiến trúc, điêu khắc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Nét chạm khắc những hình tượng mang màu sắc tôn giáo huyền ảo và thoáng vẻ vương quyền. Ngoài ra, đến đây bạn còn có dịp thưởng thức các loại bánh trái, ẩm thực miền Tây vô cùng độc đáo.
4. Hệ thống tượng phật tại chùa Vĩnh Tràng
Du khách đến hành hương ở chùa Vĩnh Tràng Tiền Giang có dịp thể hiện lòng thành kính trước 60 bức tượng Phật được làm bằng gỗ, đồng hoặc đất nung,…vô cùng tráng lệ và tôn nghiêm. Bên cạnh đó, nơi đây còn cất giữ Đại Hồng Chung mang tên Pháp Bảo, chuông cao 1,2m, nặng khoảng 150kg. Trong chùa lưu giữ hơn 20 bức tranh sơn thủy có giá trị, mang đậm nét dân gian Việt Nam. Phía trên có in hình “mai-lan-cúc-trúc” và hình phong cảnh hữu tình được Long Giang Cư phát họa vào năm 1904.
Khuôn viên chùa còn có tượng Phật Di Lặc đang trong tư thế ngồi với chiều dài 27m, chiều rộng 18m, cao 20m và nặng khoảng 250.000kg được đúc bằng bê tông, cốt thép. Bên trong pho tượng Phật A Di Đà được tận dụng thiết kế là nơi làm việc của Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Tiền Giang, có giảng đường, nơi nghỉ cho hơn 200 người.
Phía sau chùa Vĩnh Tràng là Đài Quan Âm với pho tượng Phật Quan Âm đang trong tư thế nằm. Bên cạnh đó, chùa còn mới đầu tư xây dựng thêm Quảng trường, hồ nước, hệ thống đèn chiếu sáng, sân bãi,… rất thanh nhã và sạch đẹp.
5. Một số lưu ý khi ghé thăm chùa Vĩnh Tràng
- Chùa Vĩnh Tràng mở cửa tất cả các ngày trong tuần. Các chư tăng, chức sắc thay nhau trực để tiếp khách, thuyết minh và hướng dẫn khi du khách có yêu cầu.
- Đến chùa Vĩnh Tràng du khách nên mặc đồ lịch sự, đặc biệt không mặc váy ngắn, quần cộc,…
- Nên tắt điện thoại hoặc để chế độ im lặng khi dâng hương, hành lễ
- Hiện tại chùa mở cửa 2 bên tả hữu để du khách vào tham quan (không mở cửa chánh điện)
- Đi nhẹ, nói khẽ, không cười nói to trong chùa
- Bạn có thể mua đồ lưu niệm ngay trong khuôn viên chùa, nằm phía bên phải.
Du lịch chùa Vĩnh Tràng là dịp để du khách chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc cổ kính và gửi gắm những ước vọng bình an, cũng như trải lòng mình trong một không gian tôn nghiêm và thanh tịnh.
Kim Ngân
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ