21 Phong tục ngày Tết cổ truyền đậm đà bản sắc Việt
Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt. Là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, vây quần bên nhau sau một năm dài vất vả làm việc. Trong những ngày này có vô vàn các phong tục ngày Tết thể hiện bản sắc riêng biệt, nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Dưới đây là 21 phong tục ngày Tết có thể bạn chưa biết hết, hãy cùng Bazan tìm hiểu ngay thôi.
1. Phong tục ngày Tết cúng ông Táo
1.1 Cúng ông Công, ông Táo vào ngày nào
Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp người dân Việt Nam sẽ chuẩn bị mâm cơm để đưa ông Táo về trời. Vào ngày này các gia đình sẽ dọn dẹp sạch sẽ nhà bếp để cúng ông công, ông Táo.
1.2 Thờ cúng ông Công, ông Táo
Vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, tức là ngày Táo Quân sẽ cưỡi cá chép hóa rồng bay về trời để trình báo mọi việc lớn nhỏ, tốt xấu xảy ra trong năm qua của gia đình. Để Thiên Đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay về với hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp núc cho gia đình. Với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ cho gia đình được nhiều may mắn, nên cứ đến ngày 23 người ta lại làm lễ cúng ông Táo rất long trọng.
Lễ cúng ông Táo sẽ được diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp âm lịch. Hoặc có thể cúng vào trưa hay tối ngày 22 tháng Chạp, bởi sau 12h trưa ngày 23 là ông Táo đã lên trời nên không nhận được đồ cúng.
Mâm cỗ cúng ông Táo gồm 3 bộ mã, 2 bộ cho Táo Ông và 1 bộ cho táo Bà. Các gia đình thường mua 3 con cá chép thả vào chậu nước đặt cạnh mâm cỗ, sau khi làm lễ xong thì đem thả xuống sông để "cá chép hóa rồng", làm phương tiện cho ông Táo cưỡi về trời.
2. Dọn dẹp, trang trí nhà cửa đón Tết
Vào những ngày trước Tết, các gia đình người Việt thường có phong tục dọn dẹp, trang trí nhà cửa. Trong những ngày này, các đồ dùng gia đình hay bàn ghế, cửa ngõ đều được lau chùi sạch sẽ. Những đồ đạc đã cũ sẽ được thay thế bằng những thứ mới và đẹp mắt hơn. Các vật dụng như hộp mứt Tết, bộ bình ly uống nước,... được gia chủ trưng bày để chuẩn bị đón Tết.
Các loại cây như cây mai, cây đào, cây tắc,... sẽ được lặt lá để kịp ra hoa. Người ta cũng treo thêm các dây đèn nháy đủ màu sắc lên chậu mai để trông lấp lánh và không khí náo nhiệt hơn. Phong tục dọn dẹp nhà cửa cuối năm của người Việt thể hiện mong muốn "năm mới luôn sạch sẽ, gọn gàng và tràn đầy những điều may mắn".
3. Gói bánh chưng, bánh tét Tết
Bánh chưng, bánh tét là những món ngon ngày Tết không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Cứ mỗi độ xuân về, người ta lại háo hức gói bánh chưng, bánh tét để kịp đón Tết. Vào những ngày cuối năm, các thành viên trong gia đình sẽ tụ họp và ngồi vây quần bên nhau để gói bánh chưng, bánh tét.
Đây cũng là dịp mọi người sẽ cùng nhau trò chuyện về công việc, học tập, hỏi thăm nhau trong một năm qua. Vì thế bánh chưng, bánh tết gắn liền với Tết âm lịch, gắn kết các thành viên trong gia đình, làng xóm lại với nhau hơn.
4. Đi chợ sắm đồ Tết
Một trong những phong tục ngày Tết không thể thiếu đó là đi chợ để mua sắm đồ dùng, vật phẩm. Những ngày trước Tết, mọi người sẽ háo hức đi chợ để sắm sửa quần áo Tết, giày dép, trái cây hay vật dụng để trang trí nhà cửa thật sáng sủa để đón năm mới.
Phiên chợ ngày Tết ngập tràn sắc hoa, trái cây tươi bắt mắt, những góc chợ đều rôm rả tiếng người mua bán và sắm đồ Tết. Có lẽ bất cứ ai cũng đều cảm thấy vui và rộn ràng trong lòng thật sự. Chợ Tết thường không giống với những phiên chợ ngày thường. Các loại kẹo bánh, bánh mứt đều được bày bán ở khắp các sạp trong chợ.
Người thì bận lựa cho gia đình những bộ quần áo xinh đẹp nhất, người thì vừa mua sắm xong, tay xách những giỏ xách thật nặng trĩu. Thấy chợ Tết bắt đầu náo nhiệt thì cũng là lúc Tết đã đến thật rồi.
5. Mâm ngũ quả ngày Tết
Cứ mỗi độ xuân về thì trên bàn thờ gia tiên của mọi gia đình Việt phải luôn có mâm ngũ quả. Với người Việt thì mâm ngũ quả ngày Tết mang một ý nghĩa quan trọng sâu sắc. Nó thể hiện lòng biết ơn và sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền. Mâm ngũ quả ở 3 miền Bắc Trung Nam khác nhau về cách bày trí.
Thông thường, người ta sẽ chuẩn bị mua trái cây vào những ngày cận Tết và bày biện sao cho hợp phong tục nơi mình ở. Sau đó dâng mâm ngũ quả lên cúng gia tiên với ước nguyện âm dượng hòa hợp, năm mới đủ đầy và may mắn.
6. Mua hoa Tết
Ngoài chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sắm đồ Tết thì người Việt còn có phong tục mua hoa Tết để chưng trong nhà. Hoa Tết thường gồm hoa cúng đặt ở bàn thờ gia tiên, hoa chưng bàn uống nước và hoa trang trí trong nhà. Thông thường, người ta hay mua các loại hoa Tết như hoa mai, hoa đào, hoa ly, hoa vạn thọ, hoa cúc,... vừa để trang trí vừa cầu may mắn, vui vẻ cho cả gia đình trong suốt những ngày tết và cả năm.
Hoa đào, hoa mai là 2 loài hoa gắn liền với hình ảnh ngày Tết của người Việt. Với người dân miền Nam thì có hoa mai vàng để trước sân hay phòng khách. Màu vàng của hoa mai thuộc hành Thổ trong Ngũ Hành, mang đến sự may mắn cho gia chủ. Màu đỏ của hoa đào tượng trưng cho sự chúc phúc đầu năm và xua đuổi những tà khí, những điều xui xẻo không may.
Ngoài ra, các chợ hoa cũng là địa điểm để đi dạo và chụp ảnh Tết rất đẹp. Người ta thường mặc áo dài truyền thống hay áo dài cách tân để chụp ảnh với hoa đào, hoa mai ngày Tết.
7. Làm mứt Tết
Một trong những phong tục ngày Tết rất được yêu thích đặc biệt với hội chị em nội trợ. Thay vì cả năm phải chuẩn bị những bữa cơm thông thường cho gia đình thì Tết là dịp các chị em trổ tài làm các món mứt Tết như mứt dừa, mứt me, mứt vỏ bưởi,...
Mứt Tết ngày xưa thì đơn giản hơn bây giờ, nhà ai dư giả lắm thì mới có thêm món mứt dừa truyền thống. Mứt được đựng trong những hộp mứt màu đỏ hình ngũ giác đơn sở, giản dị. Ấy vậy mà tuổi thơ bọn trẻ chúng tôi lại gắn liền với những ký ức ấy.
Hiện đại hơn chút nữa thì có nhiều món mứt đa dạng, lạ mắt hơn và được đựng trong những hộp mứt đủ hình dạng và màu sắc. Dù là ở thời điểm nào đi chăng nữa thì mứt Tết luôn là món ngon được người ta mong chờ nhất nhì trong ngày tết cổ truyền.
8. Biếu giỏ quà Tết, hộp quà Tết
Khi mùa xuân dặm ngõ thì cũng là lúc người ta tất bật chuẩn bị nhiều thứ để đón năm mới. Ngoài việc sắm sửa quần áo, dọn dẹp nhà cửa thì việc chọn lựa giỏ quà Tết cho cha mẹ, ông bà, bạn bè hay đồng nghiệp, cấp trên cũng rất được quan tâm. Mỗi món quà đều chứa đựng nhiều tâm tư tình cảm, ý nghĩa khác nhau. Với người tặng thì đó là cả tấm lòng và sự biết ơn trong một năm qua với người thân, cấp trên. Với người nhận đó là sự hạnh phúc đầu năm, là thể hiện sự may mắn, đủ đầy.
9. Cúng tất niên cuối năm
Người Việt thường có phong tục cúng tất niên cuối năm vào những ngày giáp Tết. Các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau chuẩn bị những mâm cỗ đầy, khói hương nghi ngút đặt lên bàn thờ gia tiên. Vào dịp này, người ta sẽ chuẩn bị 2 mâm cỗ, một mâm đặt ở bàn thờ gia tiên, mâm còn lại sẽ để ở giữa trời, thường là trước sân nhà.
Đây là một phong tục ngày Tết mang ý nghĩa rất quan trọng. Tất nghĩa là xong, hết còn niên nghĩa là năm do đó tất niên là kết thúc một năm cũ đã qua. Ngoài gia đình thì các doanh nghiệp cũng sẽ cúng tất niên và tổ chức tiệc tất niên vào cuối năm để tổng kết 1 năm làm việc và cầu may cho năm mới.
10. Lễ rước vong linh ông bà
Vào chiều ngày 30 Tết các gia đình sẽ chuẩn bị mâm cỗ gồm trái cây, thức ăn để cúng ông bà, tổ tiên. Đây là phong tục ngày Tết rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Người gia trưởng của gia đình sẽ thắp hương dâng lên bàn thờ gia tiên và cúng vái. Theo đó, những thành viên còn lại cũng sẽ chắp tay để thỉnh vong linh của ông bà về ăn Tết cùng với gia đình, dòng họ.
11. Đón giao thừa
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới được gọi là giao thừa. Đêm 30 Tết người ta tất bật chuẩn bị mọi thứ để bước sang một năm mới thật trọn vẹn nhất. Mọi người sẽ cùng nhau chờ đợi thời khắc thiêng liêng nhất để cùng đếm ngược và xem bắn pháo hoa khắp nơi của đất nước.
12. Xuất hành đầu năm
Xuất hành vào đầu năm mới là phong tục ngày Tết diễn ra vào sáng mồng 1 Tết. Tức là thời gian bạn sẽ bước chân ra khỏi nhà đầu tiên thì được tính là xuất hành. Thông thường sau khi đón giao thừa thì người ta sẽ xuất hành theo giờ đẹp và hướng phù hợp. Nếu không thì bạn vẫn có thể xuất hành vào sáng sớm mồng 1 đều được. Phong tục xuất hành đầu năm với mong muốn cả năm may mắn, "thượng lộ bình an" mỗi khi bước chân ra đường.
13. Phong tục xông đất
Tục xông đất hay còn là xông nhà được thực hiện sau đêm giao thừa, thường là vào mồng 1 Tết. Ai đặt chân đến nhà bạn đầu tiên thì người đó được coi là người xông đất đầu năm. Với quan niệm nếu người xông đất hợp tuổi với gia chủ trong năm mới thì cả năm sẽ làm ăn phát đạt. Do đó người ta rất coi trọng tục xông đất đầu năm. Nhiều gia đình thường chọn người xông đất hợp tuổi với mình để đến chúc Tết đầu tiên vào ngày mùng 1. Một số nơi khắt khe hơn thì có nhiều kiêng kỵ hơn nữa.
14. Hái lộc đầu xuân
Cũng giống như tục xông đất, hái lộc đầu xuân là phong tục ngày Tết được thực hiện vào đêm giao thừa hoặc sáng sớm mồng 1 Tết. Người ta sẽ hái một cành cây non trên đường đi xuất hành hoặc đi lên chùa thắp hương đầu năm và hái lộc. Phong tục này với người Việt thể hiện ước muốn cả năm gia đình sẽ làm ăn phát tài, rước hên vào nhà.
15. Thăm mộ ông bà, tổ tiên
Sáng mồng 1 Tết thường các gia đình sẽ tụ tập con cháu lại với nhau để đi thăm mộ ông bà tổ tiên trước. Theo quan niệm của người Việt thì đầu năm đầu tháng làm gì làm nhưng vẫn phải đi thăm mộ tổ tiên trước. Rồi sau đó mới đi chúc Tết ông bà, anh chị em, hàng xóm láng giềng. Điều đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, luôn nhớ đên gia tiên trong dịp Tết quan trọng. Đây cũng là dịp để tất cả con cháu trong nhà nhớ đến tổ tiên của mình.
16. Phong tục ngày Tết - Chúc Tết
Chúc Tết không chỉ là phong tục ngày tết mà còn là nét đẹp truyền thống của người Việt từ xưa đến nay. Sau đêm giao thừa, mọi thành viên trong gia đình sẽ cùng chúc nhau bằng những câu chúc tết hay và ý nghĩa nhất. Và 3 ngày Tết tiếp theo người ta tiếp tục đi chúc Tết ông bà, họ hàng gần xa.
Ông bà ta thường có câu mồng 1 Tết cha, mồng 2 Tết mẹ và mồng 3 Tết thầy. Ý muốn nói nhà cha là nhà bên họ nội cho nên ngày mùng 1 thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng. Ngày mùng 2, lại kéo cả nhà về bên họ ngoại, cố thực hiện cho bằng được ý nghĩa đoàn tụ truyền thống trong mấy ngày Tết. Ngày mùng 3 thì học trò rủ nhau đến viếng thầy cô để trò chuyện với nhau về những ngày còn là học sinh.
17. Lì xì, mừng tuổi
Một trong những phong tục ngày Tết không thể kể đến là lì xì đầu năm. Trong những ngày Tết, người lớn trong gia đình sẽ chuẩn bị những bao lì xì màu đỏ để lì xì cho con cháu.
Con cháu đã trưởng thành và công ăn việc làm thì sẽ mừng tuổi ông bà, cha mẹ của mình cũng với các phong bao lì xì. Tiền mừng tuổi hay lì xì ít nhiều không quan trọng, chủ yếu là tấm lòng và tượng trưng cho tài lộc đầu năm.
18. Khai bút đầu Xuân
Tục khai bút hay còn gọi là khai nghề đầu năm là một nét đẹp văn hóa cong giữ lại của người Việt. Người xưa quan niệm rằng trong những ngày đầu tiên của năm nếu mọi việc suôn sẻ thì cả năm cũng sẽ thuận lợi như ý muốn. Do đó những người buôn bán, học trò,... sẽ khai bút và xin chữ đầu năm. Học trò khai bút, nhà nông khai canh còn người buôn bán thì thường sẽ mở cửa để lấy hên.
19. Tục kiêng không quét rác ngày Tết
Vào dịp Tết cổ truyền người Việt rất quan tâm đến những điều kiêng kỵ đầu năm. Mong muốn và hy vọng cả năm sẽ luôn gặp điều may mắn. Gia đình luôn hạnh phúc, ít xảy ra tranh cãi hay những điều không may. Dân gian quan niệm rằng, 3 ngày Tết không được quét rác bởi gia đình đó sẽ nghèo túng cả năm do đã quét đi lộc đầu năm. Hoặc có thể quét ở trong nhà nhưng không đổ rác đi mà chỉ được để ở góc nhà.
20. Mâm cỗ ngày Tết
Ngày Tết thì nhất định phải vây quần bên nhau để ăn cỗ rồi. Mâm cỗ ngày Tết bao giờ cũng đầy đủ món và được chuẩn bị long trọng hơn ngày thường. Mâm cỗ được sắp xếp, bày biện nhiều món với ý nghĩa mong muốn một năm mới sẽ ấm no và hạnh phúc hơn. Mâm cỗ ngày Tết được chia làm nhiều dịp khác nhau như mâm cỗ tất niên, mâm cỗ cúng giao thừa, mâm cỗ cúng gia tiên và mâm cỗ mồng 1, mồng 2 và mồng 3 Tết.
21. Màu của ngày Tết
Màu đỏ chính là màu tượng trưng cho ngày Tết Nguyên Đán. Bởi theo quan niệm của dân gian thì màu đỏ mang đến sự may mắn, phát tài phát lộc. Màu đỏ xuất hiện ngập tràn trong ngày Tết như dưa hấu, câu đối đỏ, bao lì xì, hạt dưa, tấm lịch,... Người ta cũng thường chọn các trang phục như váy áo hay áo dài đỏ để diện trong đầu năm với mong muốn gặp muôn vàn may mắn trong năm nay.
Những phong tục ngày Tết của người Việt rất đa dạng và gần như còn giữ nguyên vẹn cho tới nay. Nó thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống của dân ta trong dịp Tết cổ truyền, một năm mới có một lần.
Trúc Phương.
Puppy Farm - Vườn Hồng trên mây- BBQ nướng - Thác Dantala - Buffet Rau - Hoàng Long ohayo- Mê Linh Coffee Garden
Xe du lịch,Xe giường nằm
1,990,000đ
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ