Nhà cổ Phùng Hưng Hội An - nét đẹp Á Đông nao lòng du khách
Nhà cổ Phùng Hưng là một trong những điểm đến đặc sắc của thành phố Hội An. Dù nằm yên ắng trong lòng phố cổ Hội An, nhà cổ Phùng Hưng vẫn thu hút hàng trăm lượt du khách đến tham quan bằng những nét đẹp riêng của nó. Là minh chứng qua bao thăng trầm trong lịch sử, nhà cổ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia tại Việt Nam.
1. Giới thiệu về nhà cổ Phùng Hưng Hội An
1.1. Địa chỉ của nhà cổ Phùng Hưng
Nhà cổ Phùng Hưng tọa lạc tại địa chỉ số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ngôi nhà này đã được xây dựng cách đây hơn 220 năm, vào khoảng cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, cũng là thời kỳ phồn thịnh của khu phố cổ Hội An lúc bấy giờ.
1.2. Ý nghĩa tên gọi nhà cổ Phùng Hưng
Người cho khởi công cũng như chủ nhân đầu tiên của nhà cổ Phùng Hưng là một thương nhân giàu có. Người địa phương nơi đây tương truyền rằng ông là người giỏi kinh doanh, giao lưu quan hệ rộng rãi.
Ngôi nhà được xây dựng với mục đích trở thành nơi kinh doanh lâu dài các mặt hàng như quế, tiêu, muối, đồ sứ, thủy tinh,... đều là các mặt hàng giá trị được các lái buôn thời này săn đón. Cái tên Phùng Hưng được đặt cho nơi đây cũng mang ý nghĩa mong muốn nơi đây có thể hưng thịnh lâu dài, con cháu đời đời yên ấm.
Hiện nay, chủ nhân của ngôi nhà là con cháu đời thứ 8 của vị thương nhân nọ. Những thành viên trong gia đình bên cạnh là người giữ gìn và chăm sóc ngôi nhà, còn kiêm cả vị trí hướng dẫn cho du khách tham quan và thuyết minh về lịch sử cũng như các đường nét kiến trúc, nội thất cổ xưa. Bên cạnh đó, hiện nay nhà cổ Phùng Hưng còn là một cơ sở may, thêu thủ công của gia đình. Nếu có dịp đi tour Hội An 3 ngày 2 đêm, đừng quên mua những món đồ lưu niệm này về làm quà tặng người thân nhé.
Ngoài ra nhà cổ Phùng Hưng còn là một trong những mẫu nhà cổ đẹp nhất của kiến trúc cổ Hội An. Có thể nói sẽ là một thiếu sót lớn vô cùng đáng tiếc nếu đã tham quan du lịch Hội An mà không ghé thăm nhà cổ Phùng Hưng lấy một lần.
2. Kiến trúc của nhà cổ Phùng Hưng
2.1. Hơi hướng kiến trúc phương Đông
Nhà cổ Phùng Hưng được thiết kế theo mô hình nhà buôn bán phổ biến thời bấy giờ, trong đầu thế kỷ XIX. Nhà hình ống với mặt tiền rộng, với ý nghĩa mở rộng cửa đón rước tài lộc vào nhà. Vật liệu chủ yếu là các loại gỗ quý hiếm cho nên sau hơn 2 thế kỷ qua, nhà cổ Phùng Hưng vẫn giữ được nét đẹp vẹn nguyên như ngày đầu.
Cũng như các công trình nhà cổ nổi tiếng khác ở khu phố cổ Hội An, nhà cổ Phùng Hưng có kiến trúc tổng hợp từ 3 luồng văn hóa gồm Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản.
Cụ thể là hệ thống ban công và cửa chính, cửa sổ mang hơi hướng Trung Quốc. Mái nhà lớn ở gian giữa của nhà cổ Phùng Hưng có 4 hướng, là kiểu mái “tứ hải” (bốn biển) phổ biến trong kiến trúc Nhật Bản thời Edo.
Còn lại, hệ thống rường cột, sườn gỗ, xà ngang, xà dọc, mái nhà truyền thống hai hướng ở gian trước và gian sau mang đậm nét kiến trúc trong văn hóa Việt Nam xưa.
2.2. Kiến trúc bên trong của nhà cổ Phùng Hưng
Không những thế, sự sung túc của vị chủ nhân nhà cổ Phùng Hưng còn được thể hiện qua những chi tiết nhỏ nhặt nhất.
Nhà có 80 cột chính hoàn toàn bằng gỗ lim, tất cả được đặt trên chân đá được gọt giũa tỉ mỉ để tránh việc tiếp xúc giữa chân cột với mặt đất. Điều này nhằm mục đích giảm độ lún, giữ cho ngôi nhà khỏi bị ẩm mốc hay mối mọt.
Các cửa trong nhà cổ Phùng Hưng theo kiểu ‘trên song dưới bản’ vừa dễ di chuyển, lại còn tạo không khí mát mẻ vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Các cánh cửa này thậm chí còn có thể tháo rời ra để phục vụ nhu cầu của chủ nhân ngôi nhà. Mái nhà được lợp ngói âm dương luôn thông thoáng nhờ những rãnh nhỏ nằm giữa các lớp.
Điểm độc đáo của căn nhà chính là tính linh hoạt khi sử dụng. Vào mùa mưa, Hội An rất dễ bị lụt nên người thiết kế đã khéo léo lắp đặt cánh cửa sập thông lên gác trống để tiện cho việc di chuyển những đồ đạc có giá trị.
Các thanh ngang dọc thuộc bộ phận đỡ mái hiên ở nhà cổ Phùng Hưng được chạm khắc tỉ mỉ những hình cá chép, vốn là biểu tượng cho sự hưng thịnh và may mắn. Là linh vật mang ý nghĩa của cả 3 hướng văn hóa hội tụ. Cá chép trong văn hóa Trung Hoa là biểu tượng của sự may mắn, đối với Việt Nam là sự thịnh vượng, và với người Nhật lại là sự quyền lực.
Bên trong nhà cổ Phùng Hưng được trang trí bằng rất nhiều các bức chạm trổ hoa văn trang trí từ rất nhiều loại vật liệu do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng (ngôi làng nổi tiếng với nghề thợ mộc thuộc xã Cẩm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam).
Trên gác, tại phòng thờ của gia đình còn đặt trang thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu được chạm trổ tinh xảo, với niềm tin Thánh Mẫu sẽ phù hộ cho cả gia đình mãi mãi về sau. Trên bàn trước cửa bệ thờ trong nhà cổ Phùng Hưng luôn được đặt 7 quân xúc xắc bằng đá cẩm thạch trong bát.
Theo lời kể thì mục đích của chúng là để chủ nhà sử dụng để quyết định thời gian khởi hành trước khi đi xa. Đây cũng là một thói quen phổ biến đối với những thương gia thời này.
2.3. Di tích cấp Quốc Gia
Tham quan nhà cổ Phùng Hưng, du khách sẽ không khỏi trầm trồ trước tài năng của người kiến trúc sư tài ba đã thiết kế nên ngôi nhà này. Hẳn đây cũng là một người học sâu hiểu rộng, thấm nhuần cả 3 nền kiến trúc của phương Đông. Những chi tiết được du nhập nhưng lại vô cùng hòa hợp, nhưng vẫn không đánh mất bản sắc văn hóa của Việt Nam lúc bấy giờ.
Nhà cổ Phùng Hưng được cấp bằng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia ngày 29 tháng 6 năm 1993. Cho đến nay, ngôi nhà vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các đường nét kiến trúc nội, ngoại thất cổ. Đây cũng là một nguồn tài liệu chân thực và quý giá về nghệ thuật và lối sống của tầng lớp thương nhân Hội An xưa.
Tham quan nhà cổ Phùng Hưng, du khách như được sống lại với một thời kỳ giao thương nhộn nhịp, sôi nổi của đô thị Hội An ngày nào. Nếu đã một lần ghé đến nơi đây, chắc chắn du khách sẽ có cho mình một chuyến du lịch Hội An trọn vẹn và đầy ý nghĩa.
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ