Đặt Tour: 0902 107 107

Làng nón Phú Gia ở Bình Định

Làng nón Phú Gia là một trong những điểm du lịch Bình Định thường được nhắc đến trong các tour Bình Định ngày nay. Làng nón tọa lạc tại xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Làng nón đã từ lâu luôn là niềm tự hào của vùng đất, niềm tự hào của con người Phú Gia vì chỉ có ở Phú Gia mới tìm thấy những chiếc nón lá, những chiếc nón ngựa đẹp bền hoàn hảo. Và cũng chỉ khi đến với làng nón Phú Gia, người ta mới hoài niệm lại được những nét đẹp rất xưa.


lang-non-phu-gia

Làng nón Phú Gia

Làng nón Phú Gia là cái nôi của những chiếc nón lá trứ danh Bình Định. Nón lá Phú Gia có đặc điểm nhẹ, bền, đẹp, khi đội vào càng làm tôn thêm vẻ yêu kiều của người phụ nữ. Nhưng nón lá Phú Gia thông thường được sản xuất hàng loạt, trở nên phổ biến, có thể tìm thấy ở các làng nghề khác trong tỉnh. Bởi thế, sản phẩm được xem là “đặc sản” của làng nón Phú Gia chưa hẳn là nón lá, mà đó phải là nón ngựa. Nón ngựa có tên gọi xuất phát từ chính bản chất của nón, đó là loại nón dùng để đội trong khi cưỡi ngựa. Cũng từ yếu tố này cho ta thấy, nón ngựa là loại nón hết sức dẻo dai, bền chắc. Và nón ngựa Phú Gia đáp ứng được yêu cầu đó.

Quy trình ra đời của một chiếc nón ngựa hết sức công phu. Đầu tiên, người ta phải lên đến tận vùng núi cao để đào lấy rễ cây giang. Lấy rễ cây giang mang phơi thật khô trong nắng. Chẻ rễ cây thành sợi mảnh. Sau đó mới dùng từng sợi rễ đan lại vào nhau tạo thành từng mảng lớn, gọi là sườn mê. Hoàn thành công đoạn làm sườn mê, người ta tiến hành thắt nang sườn cho nón. Khâu này đòi hỏi nhiều kỹ thuật từ người thợ làm nón ngựa Phú Gia, họ phải đặt từng mảnh mê lên khung nón sao cho khớp với vành nón rồi mới khâu lại. Khâu hết vành nón là đến khâu sườn đứng của nón, rồi sườn ngang. Tất cả chỉ khâu đều sử dụng bằng các sợi giang thanh mảnh.

Sau khi định hình được chiếc nón, người ta bước tiếp công đoạn thuê hoa, tạo hình trên sườn nón. Để có được chiếc nón với hoa văn xinh đẹp, người Phú Gia không chuộng màu mè hay các hình thêu sáo rỗng. Họ luôn giữ lại nét cổ truyền của làng nghề bằng hình thêu từ các đề tài 4 loại tứ linh, hoặc tùng – mai – cúc – trúc, hay lưỡng long tranh châu… Cuối cùng, nghệ nhân làng nón Phú Gia chằm chỉ cho chiếc nón. Phương pháp chằm chỉ nón cũng lắm công phu. Lá được chọn chằm vào nón phải là lá kè tươi được mang về từ núi ở các tỉnh Tây Nguyên. Là kè còn phải mang đi hong khô, bỏ sống lá, xông hơi, phơi sương, hơ lửa. Trải qua các công đoạn phức tạp, tỉ mỉ, chiếc lá kè được xếp chồng từ đỉnh xuồng vành nón. Người thợ chằm lá tiến hành định hình bằng chỉ. Cũng bởi tính gia công cao trong nón ngựa nên giá thành của loại sản phẩm này cũng tương đối cao, chiếc cao nhất có thể trị giá 400.000 đồng.

Ngày nay, có dịp đi tour Bình Định, đến với làng nón Phú Gia, du khách không chỉ được tận tay tận mắt nhìn thấy những chiếc nón Phú Gia nổi tiếng, mà còn nhìn thấy những phiên chợ nón lá lộng lẫy với những cột nón lá được xếp chồng lên nhau, cao như những cột nhà… Bên cạnh đó, du khách còn có dịp tìm lại những giá trị di sản, những nét đẹp văn hóa độc đáo của quê hương Bình Định vẫn còn đó bền bỉ theo tháng năm.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook