Khám phá nét đặc sắc của lễ hội chùa Ông Cần Thơ
Chùa Ông được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993. Và lễ hội chùa ông Cần Thơ được diễn ra nhiều lần trong năm, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan. Trong đó lớn nhất là ngày Lễ Vu Lan báo hiếu vào ngày 7 tháng 7 Âm lịch.
Giới thiệu về chùa Ông
Chùa Ông tọa lạc tại số 32 đường Hai Bà Trưng, Phường Tân An, Quận Ninh Kiều, Thành Phố Cần Thơ. Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1894 đến năm 1896 thì hoàn thành. Đây là ngôi chùa của người Hoa gốc Quảng Đông nên còn có tên tiếng Hán là Quản Triệu Hội Quán. Tuy nhiên, người dân nơi đây vẫn quen gọi là chùa Ông vì ở chính điện chùa thờ Quan Thánh Đế Quân, tức Quan Công. Những ngày rằm hàng tháng đều tổ chức lễ cúng thánh thần.
Chùa Ông là một trong số những ngôi chùa cổ ở Cần Thơ còn giữ nguyên hiện trạng từ lúc thành lập. Vào năm 1993 chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Kiến trúc chùa Ông
Chùa Ông có kiến trúc mang đậm chất đặc trưng của người Hoa với màu sắc rực rỡ. Hai bên cửa được treo nhiều lồng đèn, mái ngói theo kiểu âm dương. Trên bờ nóc được trang trí những hình lưỡng long chầu nguyệt, phượng hoàng…bằng gốm sứ sinh động. Ngoài ra hai bên đầu đao còn có tượng người cầm mặt trăng, mặt trời theo triết học phương Đông.
Bên trong chùa được trang trí các bức phù điêu chạm chỗ cầu kỳ và tinh tế với các hình ảnh như rồng , phượng, mai, lan, cúc, trúc,…cùng các điển tích xưa nhuốm màu lịch sử. Ở vị trí chánh điện thờ Quan Công hay Ông, một vị danh tướng thời Tam Quốc được đặt rất trang trọng. Ngoài ra chùa còn thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Phật Bà Quan Âm rất linh thiêng.
Lễ hội lớn nhât của chùa Ông – Lễ Vu Lan
Lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ lớn nhất hàng năm của Phật giáo, đây cũng là một phong tục của người Hoa. Lễ Vu Lan được diễn ra vào ngày rằm tháng 7 Âm lịch, vào ngày này mọi người sẽ đến chùa cầu nguyện cho gia đình, cha mẹ, thả hoa đăng, phóng sinh…
Thời gian
Vì là lễ lớn và phong tục của người Hoa nên ở chùa Ông Cần Thơ thường tổ chức Lễ Vu Lan rất lớn vào 2 ngày 19 và 20/7 Âm lịch. Lễ kéo dài từ 2 đến 3 ngày và thu hút nhiều Phật tử cũng như du khách gần xa đến tham gia.
Buổi lễ diễn ra như thế nào
Điện Địa Tạng của chùa là nơi dùng để đặt bài vị những người đã qua đời, đây cũng là nơi để lập trai đàn và tụng kinh. Phía trước điện có đặt 1 cây phướn cao mang ý nghĩa tâm linh dẫn đường cho các linh hồn đến nghe cầu nguyện và được đi đầu thai. Mâm lễ vật được bày trước các bài vị, phía trước bàn cúng có hình chữ “Đạo” được làm từ những hạt gạo trắng tinh khiết và sắp xếp tỉ mỉ.
Người chủ lễ sẽ mặc một chiếc áo màu vàng có viền đen và điều khiển buổi lễ. Khi đã chuẩn bị xong và đến giờ, những tiếng nhạc, tiếng mõ, tiếng chiêng, tiếng tụng kinh…sẽ hòa vào nhau tạo nên không khí trang nghiêm, hướng thiện. Vào buổi sáng buổi lễ sẽ diễn ra đến 11h trưa thì tạm nghỉ để mọi người dùng cơm chay. Khi đến buổi chiều, sau khi tụng kinh xong người chủ lễ sẽ hướng dẫn khách đi qua Cầu Tiên để dẫn lối cho tổ tiên, cha mẹ mình đi đầu thai. Trước đó, mọi người sẽ cầm bài vị rồi đi một vòng qua sân trong nghĩa trang và vào viếng từ đường. Khi qua cầu, người ta sẽ thả tiền giấy xuống như một hình thức để hối lộ âm binh. Qua đến cầu, bài vị sẽ được đốt xem như đã được siêu thoát, đầu thai kiếp khác. Lễ Vu Lan được diễn ra rất nhộn nhịp, ý nghĩa và thể hiện những nét đặc trưng về văn hóa của người dân nơi đây.
Các ngày lễ khác trong năm ở chùa Ông
Ngoài Đại lễ Vu Lan, hàng năm chùa Ông còn tổ chức các ngày lễ vía theo lịch Âm như:
- Ngày 2/2: Lễ vía ông Bổn
- Ngày 23/3: Lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu
- Ngày 13/5: Lễ vía Quan Bình
- Ngày 24/6: Lễ vía Ông hay còn gọi là Lễ vía Quan Thánh Đế, đây cũng là một trong những lễ lớn nhất trong năm ở chùa Ông. Nếu đi du lịch hè ở Cần Thơ bạn sẽ có cơ hội tham dự lễ này.
- Ngày 30/10: Lễ vía Quan Châu
Vào những ngày lễ này rất đông người dân địa phương, Phật tử và du khách thập phương đến tham dự. Ngoài ra, cách 10 năm 1 lần ở chùa Ông còn tổ chức Lễ đấu đèn, với quan niệm ai sở hữu được những chiếc đèn lồng sẽ gặp được nhiều may mắn. Những chiếc đèn lồng gồm có 6 mặt với những hình ảnh phong cảnh tươi đẹp và những câu chúc phúc. Khi đốt nóng đèn sẽ tự động xoay tạo ra những hình ảnh rất đẹp mắt. Dịp lễ này còn có ý nghĩa quyên góp tiền từ thiện giúp cho việc xây dựng nghĩa trang, trường học, trẻ em mồ côi.
Các lễ hội chùa Ông Cần Thơ được tổ chức hàng năm thể hiện sự giữ gìn và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của tổ tiên. Nếu có dịp đến du lịch Cần Thơ bạn đừng quên ghé thăm chùa Ông và tham dự những lễ hội này nhé!
Nguyễn Thư
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ