Đặt Tour: 0902 107 107

Thăm Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết, chiêm ngưỡng bộ xương cá voi khổng lồ

Là điểm du lịch khá nổi tiếng được nhiều công ty du lịch lựa chọn để giới thiệu đến du khách, dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết hấp dẫn không chỉ bởi đã vài trăm năm tuổi, mà còn là nơi du khách có thể biết nhiều hơn về tập tục tín ngưỡng của ngư dân vùng biển nơi này qua thời gian.

1. Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết ở đâu?

  • Địa chỉ: 54 Ngư Ông, phường Đức Thắng, Thành phố Phan Thiết
  • Giờ mở cửa: 9:00 - 17:00

Tọa lạc trên đường Ngư Ông, phường Đức Thắng của thành phố Phan Thiết, Dinh Vạn Thủy Tú là nơi thờ thần Nam Hải - tức Cá Ông theo tín ngưỡng của người dân vùng biển.

Theo tín ngưỡng của người dân Phan Thiết nói riêng và người Việt nói chung, thì cá Ông là vị thủy thần thường xuyên giúp đỡ họ tránh khỏi những phong ba bão táp. Do vậy mà, Cá Ông rất được ngư dân sùng bái và tôn kính.

dinh-van-thuy-tu-phan-thiet

Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết là điểm đến nhất định nên ghé qua khi đến đất Mũi

2. Giá vé tham quan và gửi xe

2.1 Giá vé tham quan

  • Giá vé dành cho trẻ em: 5.000đ.
  • Giá vé dành cho người lớn: 10.000đ.
  • Nếu du khách đi theo đoàn sẽ có hướng dẫn viên tại điểm (miễn phí).
dinh-van-phan-thiet

Cá Ông được sắc phong là "Nam Hải Đại Tướng Quân"

2.2 Gửi xe

Du khách thuê xe máy ở Phan Thiết, có thể gửi ở bãi giữ xe do người dân tự kinh doanh ở gần Dinh Vạn Thủy Tú.

3. Lịch sử hình thành của Dinh Vạn Thủy Tú

Được xây dựng từ năm 1762, Dinh Vạn Thủy Tú gắn liền với lịch sử phát triển của vùng biển Phan Thiết và có ý nghĩa rất lớn lao với ngư dân nơi đây, bởi sự biết ơn loài cá Ông vô cùng thân thiện.

Cho đến nay Dinh Vạn đã có hơn 100 bộ xương cá voi và nhiều loài khác cùng họ, trong số đó có những bộ xương đã hơn 100 năm tuổi. Đặc biệt, một bộ xương cực lớn của cá voi lưng xám còn lưu giữ trong Dinh với trọng lượng lúc còn sống nặng khoảng 65 tấn, hiện được công nhận là bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á.

bo-xuong-ca-voi-dinh-van

Bộ xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á

Theo các tài liệu cổ, lúc đầu Dinh chỉ là một ngôi nhà gỗ lợp mái lá, sau đó mới được dựng lại bằng tường gạch và mái lợp ngói âm dương với diện tích khoảng 500m2. Dẫu trải qua hơn 250 năm đầy nắng gió, địa điểm này gần như vẫn còn giữ được lối kiến trúc vẹn nguyên như ban đầu.

4. Kiến trúc xây dựng và ý nghĩa lối kiến trúc tứ trụ trong văn hóa người Việt

4.1 Kiến trúc xây dựng chính của Dinh Vạn Thủy Tú

Có thể nói Dinh Vạn Thủy Tú là điểm đến khá quan trọng trong bất cứ hành trình khám phá du lịch Phan Thiết nào. Về giá trị kiến trúc, Dinh Vạn Thủy Tú theo lối kiến trúc tứ trụ, có chính điện thờ Cá Ông, nhà thờ Tiền Hiền, nhà Võ Ca, mặt chính của Dinh quay về hướng Đông.

Bên trong Dinh Vạn có các khám thờ, tượng thờ, hoành phi, liên đối, đại hồng chung… Khuôn viên của Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết khá rộng, dùng để mai táng Cá Ông với những nghi thức rất đặc trưng và trang trọng.

dinh-van-gian-tho-trong

Bên trong Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết

Hương án chính giữa Dinh thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc lân Tôn thần (tức ông Nam Hải), khám tả thờ Hy hoàng Thái hiệu Tiên sư Tôn thần (ông tổ nghề nông ngư nghiệp), khám hữu thờ Thủy Long Thánh phi Nương nương Tôn thần (nữ thần nước). Nhìn chung, Dinh thờ những nhân vật liên quan đến nghề biển và có vai trò quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Phan Thiết.

4.2 Ý nghĩa lối kiến trúc "Cổng tam quan" trong văn hóa người Việt

"Cổng tam quan" là một phần không thể thiếu trong kiến trúc các ngôi đền, những ngôi chùa nổi tiếng ở Phan Thiết, lăng mộ,...vì cổng tam quan mang ý nghĩa rất sâu sắc trong phong thủy. Do vậy mà lối kiến trúc tứ trụ của Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết cũng theo văn hóa của người Việt Nam.

dinh-van-thuy-tu-binh-thuan

Lối kiến trúc độc đáo theo phong thủy đình làng

Ý nghĩa phổ biến nhất của kiến trúc cổng tam quan đó là tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Trong đó, “hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), “không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “trung quan” là thể hiện sự hòa hợp của cả hai yếu tố sắc và không.

Nhưng cũng có một thuyết khác lý giải rằng "cổng tam quan" là ý niệm về "tam giải thoát môn” bao gồm các cửa vô tác, vô tướng và vô không để có thể bước vào cõi Niết Bàn. Chỉ khi con người hiểu được sâu sắc ý nghĩa của ba cửa này thì mới có thể thoát khỏi được những sân si, oán hận, đau khổ để tìm được sự bình yên và an lạc trong tâm hồn.

5. Những câu chuyện về Cá Ông 

5.1 Câu chuyện về Cá Ông lớn nhất Việt Nam

Truyền thuyết dân gian kể lại rằng: sau khi xây xong Dinh Vạn có một Ông lớn trôi dạt vào bờ phía trước Dinh (lúc này biển chỉ còn cách Dinh không đầy 50 mét). Ngư dân trong làng Vạn huy động thêm ngư dân các làng khác cùng nhau đưa Ông vào mai táng trong khuôn viên của Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết. Vì Ông dài hơn 20m, nặng hàng chục tấn nên mãi hai ngày sau mới đưa vào và làm lễ mai táng được.

Đến năm 1996 thì Dinh Vạn Thủy Tú được nhà nước Việt Nam xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc Gia. 

dinh-van-thuy-tu-cau-ngu

Sau khi trôi dạt vào bờ, cá Ông được người dân đưa vào mai táng cẩn trọng

5.2 Câu chuyện về con trai của Cá Ông

Truyền thuyết cho rằng, Cá Ông trôi đến nơi nào vừa ý thì sẽ dừng lại. Ngư dân ở đó phải lập đền thờ cúng viếng và thờ phụng.

Người nào phát hiện ra xác Ông đầu tiên sẽ là con trai của Ông và để tang trong vòng 3 năm. Nếu làm tròn bổn phận và thành tâm thờ cúng thì cá Ông sẽ phù hộ thuyền ra khơi suôn sẻ, luôn đầy ắp cá tôm và trở về bình an.

dinh-van-thuy-tu-ca-ong-phan-thiet

Người nào phát hiện xác cá Ông đầu tiên sẽ là con trai cả

6. Sắc phong cá Ông "Nam Hải Đại Tướng Quân"

Hiện trong Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết có 24 đạo sắc phong của các đời vua: Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định. Riêng vua Thiệu Trị ban tặng 10 sắc Thần, đây là điều hiếm thấy so với các di tích khác. 

Theo như sử cũ kể lại thì xưa kia, sở dĩ bên trong Dinh còn lưu giữ những sắc phong của các vua Triều Nguyển là do trong lúc tránh cuộc truy sát của nghĩa quân Nguyễn Huệ, vua Gia Long có lần vượt biển và gặp cơn bão lớn, nhờ cá Ông tựa vào mạng ghe và dìu thuyền vào bờ an toàn. Để tưởng nhớ đến ơn cứu mạng, sau khi vua Gia Long gây dựng nên triều đình nhà Nguyễn đã sắc phong cho cá ông là ‘’Nam Hải Đại Tướng Quân‘’ và những sắc phong khác kèm theo.

dinh-van-thuy-tu-phan-thiet-1

Ngoài cá voi thì Dinh Vạn còn lưu giữ xương của nhiều loài cùng họ

7. Các lễ hội tại Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết

Hàng năm âm lịch, tại Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết diễn ra nhiều lễ hội được tổ chức một cách trang trọng.

Tiêu biểu nhất là Lễ Tế Xuân vào ngày 20/2, Lễ Cầu Ngư vào ngày 20/4, Lễ Chính Mùa vào ngày 20/6, Lễ Chèo Dọc ngày 20/7 và Lễ Mãn Mùa ngày 23/8. Trong quá trình diễn ra nghi lễ, Dinh còn có các hoạt động mang đậm tính dân tộc như hát bội, hội đua ghe, lễ bã trạo…

le-hoi-cau-ngu-phan-thiet

Lễ hội Cầu Ngư

le-hoi-nghinh-ong-phan-thiet

Người dân nơi đây rất coi trọng các lễ hội này

Dinh Vạn Thủy Tú Phan Thiết không chỉ là nơi để ngư dân thể hiện tập tục tín ngưỡng của mình mà còn là nơi thể hiện sự gắn bó mật thiết của con người với thiên nhiên kỳ vỹ. Trong sự gắn bó ấy, thiên nhiên đã đáp lại một cách vừa thiết thực, vừa mang tính kỳ bí và trở nên một bài học rất giá trị cho cuộc sống hiện tại. Tham gia hành trình du lịch Phan Thiết 2 ngày 1 đêm thì bạn nhất định không thể bỏ qua điểm đến mang tính truyền thống này.

Trúc Phương

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook