Đặt Tour: 0902 107 107

Vãn cảnh chùa Huế

Nhiều du khách yêu thích mảnh đất cố đô nên thơ, thường nhận xét: Đến Huế du lịch mà không ít nhất một lần vãn cảnh chùa, thì vẫn chưa thể gọi là đã đi hết, thỏa mãn hết. Quả vậy, chùa chiền là nét đặc trưng cực kì thú vị; cũng là điểm tham quan ở Huế thể hiện vẻ đẹp lẫn sức hút riêng của nền lịch sử, tôn giáo, văn hóa, lẫn du lịch xứ Huế mộng mơ này.

Đi du lịch Huế, về thăm ‘quê hương chiếc nón bài thơ’, phải nhắc đến rất nhiều công trình chùa và chùa cổ lớn nhỏ khác nhau. Dưới đây, bài viết xin gợi ý cụ thể một số ngôi chùa Huế đáng chú ý, được du khách tìm đến thăm viếng đông đảo:

Chùa Từ Đàm

todinhtudam

Chùa Từ Đàm có lẽ với một số du khách – còn là điểm tham quan ở Huế khá lạ, nếu so với Chùa Thiên Mụ. Chùa tọa lạc tại phường Trường An, đường Sư Liễn Quán, cách trung tâm thành phố 2km về hướng nam. Đây là một trong các ngôi đại tự cổ, với vị thế quan trọng và nổi tiếng bậc nhất ở Huế. Chùa xây dựng từ năm 1695, trước từng dùng làm trụ sở của hội An Nam Phật học, nay là nơi làm việc của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên. Ngôi chùa có lối kiến trúc trùng thiền điệp ốc thuần chất Phật giáo, với phong cách đặt để nội thất lẫn tượng thờ đều giản dị - mộc mạc. Một lần tìm tới vãn cảnh chùa, bạn sẽ dễ thấy ấn tượng trước vẻ đẹp an bình, tĩnh tại mà không kém phần trang nghiêm của khu nội viên, chính điện, cũng như công trình tháp lớn Ấn Tôn cao rộng nổi bật. Dẫu trãi qua không ít lần trùng tu, mở rộng và sửa chữa, chùa Từ Đàm tới nay vẫn được trân trọng xem như một đại diện thuần túy cho kiến trúc chùa chiền Huế tự lâu đời. Nơi đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều dịp lễ lớn ở phạm vi thành phố, thậm chí trên toàn tỉnh (lễ Phật đản, Vu Lan, sự kiện cúng lễ Tết nguyên đán,..); thu hút đông đảo Phật tử cùng du khách xa gần tham dự.

Chùa Huyền Không

chua_huyen_khong

Từ cung đường qua cầu Trường Tiền, tới thôn Đồng Chầm, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, cách trung tâm Huế 15km; tọa lạc một ngôi chùa đẹp dân dã, phong cảnh nên thơ và vô cùng cuốn hút - chùa Huyền Không. Chùa còn có tên Huyền Không Sơn Thượng, thành lập năm 1989, nằm giữa một khoảng rừng thông xanh rì, ở lưng chừng ngọn núi Triều Sơn Phương. Bước qua cánh cổng chính, tiến vào sân chùa, không ít du khách đã ngỡ ngàng như thể vừa tìm về chốn không gian thiên nhiên kì ảo, trong lành đến không ngờ. Chùa Huyền Không cuốn hút khách thập phương cũng chính bởi ấn tượng ‘hòa mình giữa thiên nhiên’ này. Với lối kiến trúc Phật giáo Nam tông đặc thù, xếp đặt trong một khoảng rừng núi là rãi rác các khu vực nhà rường, điện, am, đình nhỏ nhắn, bình dị mà không kém phần uy nghiêm, thanh tịnh. Đặc biệt, với người yêu thích thơ văn, thư pháp, chùa Huyền Không cũng có không gian riêng phục vụ cho khách đến chuyện trò, thưởng thức trà nóng, cùng ngâm thơ, luyện chữ. Nổi bật nơi địa danh vườn chùa này, còn phải kể đến nhà thủy tạ để trưng bày thư pháp - với cảnh trí ‘sơn thủy hữu tình,’ tọa lạc trên hồ sen rộng quanh năm nước chảy êm đềm. Nếu đang muốn thăm quan chùa chiền đẹp mang nét kiến trúc gần gũi tự nhiên, bạn không nên bỏ lỡ cơ hội một lần đến với chùa Huyền Không, để được chiêm ngưỡng và trãi nghiệm nhiều hơn.

Chùa Báo Quốc

chuabaoquoc2

Chùa Báo Quốc còn có tên Hàm Long Sơn Thiên Thọ Tự, cũng là một ngôi cổ tự nổi bật từ kiến trúc cho đến lịch sử hình thành. Nằm trên đồi Hàm Long, ở đường Báo Quốc, phường Phường Đúc, thành phố Huế, ngôi chùa cổ kính được hình thành khoảng cuối thế kỉ 17. Tên hiệu của chùa được chính chúa Nguyễn Phúc Khoát ban tặng năm 1747, với biển vàng còn lưu giữ đến tận ngày nay. Chùa được xây trong khuôn viên rộng thoáng tầm 2ha, theo hình tượng chữ “Khẩu.” Đáng kể về mặt nội thất là tứ trụ nơi chánh điện chùa mang hoa văn rồng bay chạm nổi, cùng khu Tháp Giác Phong và Tháp Tổ uy nghi - ấn tượng. Trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc nói chung, và hoạt động Phật giáo thời chiến nói riêng, Báo Quốc Tự đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với cả xứ Huế. Ngày nay, chùa vẫn giữ vững chỗ đứng như địa chỉ tôn giáo, lịch sử, và văn hóa nổi danh, được yêu thích đặc biệt tại cố đô. Tìm đến chùa Báo Quốc chiêm bái hay vãn cảnh, du khách dễ cảm thấy sự thư thả, nhẹ nhàng, khi được ‘đắm mình’ trong khung cảnh cổ kính, thanh tịnh của ngôi cổ tự xinh đẹp này.

Chùa Thiên Mụ

chua-thien-mu

Hẳn nói đến Huế, ai cũng biết Chùa Thiên Mụ cả. Tọa lạc ở một trong những ngọn đồi đẹp nhất thành phố - đồi Hà Khê, chùa cổ Thiên Mụ từ lâu được xem như điểm tham quan ở Huế rất tiêu biểu tại cố đô, cũng như toàn khu vực Trung bộ. Chùa có lịch sử hơn 400 năm hình thành và phát triển; được chúa Nguyễn Hoàng ra lệnh xây dựng chính thức năm 1601. Qua các đời vua chúa nhà Nguyễn, cùng thời kì thực dân sau đó, chùa nhiều lần được mở rộng, trùng tu. Vào thời điểm cực thịnh về kiến trúc, Thiên Mụ có tới gần 20 công trình gồm điện, lầu, nhà thiền, tăng phòng,.. hết sức quy mô. Đáng tiếc, do chiến tranh, thiên tai nặng nề, chùa nay không còn giữ được tính bề thế xưa. Tuy nhiên, đến vãn cảnh nơi đây, du khách vẫn có thể ‘say lòng’ thưởng ngoạn nhiều điểm nhấn giá trị. Tiêu biểu như: chính điện Đại Hùng và các điện thờ Quan Âm, điện Địa Tạng ấn tượng, trang nghiêm; tháp Phước Duyên cao 7 tầng - biểu trưng nổi tiếng của chùa; chuông lớn Đại Hồng Chung - được công nhận như báo vật quốc gia; cùng không ít tác phẩm tượng Phật, văn bia, văn vật trưng bày thú vị. Chùa Thiên Mụ với vẻ đẹp cổ kính mà không kém phần thanh tịnh, đặc thù của phong cách chùa chiền Huế - ắt hẳn sẽ để lại ấn tượng khó quên cho bạn ngay từ lần đầu viếng thăm.

Ngoài những ‘cung vàng điện ngọc’ xa hoa, làm nên danh tiếng nổi bật cho kiến trúc xứ Huế, còn có vô số đền miếu - chùa chiền cổ kính, trang nghiêm. Đến với nhiều ngôi chùa Huế như trên, bạn có thể thăm quan, ngắm nhìn không ít tạo hình công trình đa dạng, trải nghiệm không gian cảnh quanh từ giản dị tới quy mô. Cũng nhờ chính đặc trưng phong phú và lôi cuốn này, chùa chiền nơi cố đô luôn thể hiện sức hút kì lạ; khiến không ít du khách mong muốn được trải nghiệm và thưởng ngoạn nhiều hơn nữa.

 

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook