Miếu Bà Chúa Xứ - Từ lời kể ly kỳ đến kiến trúc nhất nhì xứ An Giang
Ngay cả khi Châu Đốc chưa phát triển như bây giờ, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam đã là một điểm đến nổi tiếng quy tụ nhiều du khách thập phương. Ngày nay khi điều kiện đi lại đã thuận tiện hơn thì miếu hiển nhiên trở thành địa điểm hành hương không thể thiếu của vùng đất du lịch An Giang.
1. Miếu Bà Chúa Xứ ở đâu? Chi tiết đường đi
Miếu Bà Chúa Xứ (hay còn gọi là chùa Bà Chúa Xứ) nằm cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh hơn 200km, cách trung tâm thành phố An Giang khoảng 36km. Miếu nằm ngay dưới chân núi Sam.
Khi mới hình thành chúng chỉ được lợp bằng mái lá đơn sơ, về sau nổi tiếng linh thiêng miếu nhận được nhiều nguồn trợ cấp và bắt đầu tu sửa nên có được diện mạo như ngày nay.
Để đến được đây du khách có thể tham khảo những tuyến đường sau:
- Từ thành phố Hồ Chí Minh theo hướng Xa lộ Đại Hàn/ QL1A xuôi về miền Tây. Đến phà Tân Châu của Hồng Ngự, sang phà đi thẳng.
Tiếp tục bạn sẽ qua phà Châu Giang cũng là chuyến phà thứ 2 trong hành trình, sang phà lái xe về hướng núi Sam.
- Từ thành phố An Giang chuyến đi của bạn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Khách cứ chạy thẳng đến Vĩnh Thạnh Trung hướng về Châu Đốc. Từ Châu Đốc thì theo Châu Thị Tế là sẽ tới liền núi Sam.
2. Truyền thuyết về Bà Chúa Xứ - Nguồn gốc ra đời của miếu
Có rất nhiều truyền thuyết được người dân lưu truyền kể về nguồn gốc ra đời của miếu Bà Chúa Xứ.
Một số truyền miệng rằng, trước đây người ta phát hiện tượng Bà trên đỉnh núi Sam. Nhiều người có ý định đưa xuống nhưng hàng mấy chục thanh niên lực lưỡng hợp sức cũng không sao nhấc bức tượng lên được.
Thấy được sự kì lạ, bà "cô Đồng" phán rằng chỉ cần 9 cô gái đồng trinh lên khiêng thì sẽ nhấc được bức tượng. Ngộ thay kết quả vẫn là không thành. Đoán được rằng Bà muốn chọn núi Sam làm nơi an vị nên người dân khu vực liền lập miếu tôn thờ đến tận ngày hôm nay.
Lại một câu chuyện khác được người dân truyền tụng với nội dung hoàn toàn khác hẳn. Rằng vị Thoại Ngọc Hầu trước đây sau khi dẹp giặc biên giới ngoại xâm đã đến đây khấn vái, cầu nguyện. Danh tướng lẫy lừng xin Bà phù hộ giặc yên, xóm làng thái bình không tái diễn hỗn chiến.
Quả nhiên lòng thành của Thoại Ngọc Hầu đã được Bà chứng giám, độ trì. Để cảm tạ sự linh nghiệm này ông cho người xây dựng một khu miếu khang trang ngay dưới chân núi và chọn ngày 24/4 hàng năm làm ngày lễ cúng Bà.
Những tích xưa chẳng biết đâu mới là đúng, đâu là lời đồn người này truyền người kia rồi thêm thắt. Nhưng duy chỉ có sự linh nghiệm ở miếu Bà là được người khắp nơi tin tưởng, đó cũng là lý do mà những ngày rằm hay lễ lớn, miếu Bà Chúa Xứ đông nghẹt khách hành hương. Với những lời kể này,
3. Sức hút nghệ thuật kiến trúc ở miếu Bà Chúa Xứ
Bên cạnh sự linh thiêng vang danh xa gần thì một phần thu hút du khách đến đây chính là kiến trúc của chùa Bà Chúa Xứ. Tham quan một vòng những thiết kế đẹp mắt nơi đây bạn sẽ rút ra được cho mình không ít những kiến thức hữu ích.
Ngày trước miếu chỉ là mái lá đơn sơ bằng tre, nứa. Chính điện của hướng ra cánh đồng làng yên bình, đối diện con đường quê yên tĩnh, vắng người. Qua thời gian, mái lá sập sệ dầng, thời tiết nắng mưa thất thường bắt buộc miếu phải trùng tu lại.
Năm 1870, miếu được xây dựng lại kiên cố hơn bằng gạch hồ ô dước. Năm 1962, miếu được tu sửa với đá miểng và lợp ngói. Năm 1976, quá trình tái thiết miếu Bà Chúa Xứ núi Sam quy mô lớn hoàn thành sau 4 năm với nhà khách được nới rộng để có không gian đủ lớn, đón khách đến viếng ngày càng đông và chính điện có thêm hàng rào.
Toàn cảnh miếu Bà Chúa Xứ có dạng hình chữ Quốc, các khối tháp xếp chồng lên nhau lấy cảm hứng từ những cánh hoa sen đang nở. Phần mái tam cấp được lợp bằng mái ngói, ngói loại lớn mang màu xanh ngọc bích chứ không phải những ngói đỏ bạn thường thấy. Cuối mỗi góc mái cong vút lên chứa đựng ý nghĩa hưng thịnh và phát triển. Sau lần tái thiết này, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam trở thành một công trình kiến trúc khá hoàn thiện. Chính vì thế, miếu Bà đã trở thành điểm đến du lịch được nhiều công ty du lịch uy tín lựa chọn trong các chương trình tour của mình.
Tiến vào sâu hơn để chiêm ngưỡng cách bày trí, bạn sẽ phát hiện ngay ra rằng hướng chạm trổ, điêu khắc đều mang đậm nét nghệ thuật Ấn Độ tinh xảo. Các câu liễn đối, hành phi vẫn mới tinh, dát vàng son sáng chói và được lau chùi mỗi ngày cẩn thận, kĩ lưỡng.
Bố cục trong chùa Bà Chúa Xứ cũng theo lối thiết kế đình đền truyền thống gồm chính điện, võ ca và phòng khách, ngoài ra còn có phòng của Ban quý tế cùng công trình phụ khác. Nghệ thuật trang trí trong miếu khá đặc sắc với những nét trạm trổ tinh tế công phu và những bức hoành phi vàng son.
Quá trình tái thiết đã mang một diện mạo hoàn hảo cho miếu, du khách đến thăm cảm nhận sự chỉn chu kỹ lưỡng trong việc xây dựng và kiến thiết miếu nhưng vẫn thấy rõ những giá trị nguyên gốc được giữ nguyên vẹn, thể hiện ngay ở bốn cây cột cổ lầu trước chính điện vẫn còn đó không thay đổi.
Phần quan trọng nhất của miếu - tượng Bà Chúa Xứ được người dân trịnh trọng đặt ngay ngắn giữa trung tâm. 2 bên thì là Tiền hiền và Hậu hiền. Lân cận còn có bàn thờ Cậu, bàn thờ Cô, bàn thờ Linga bằng đá, tượng nữ thần bằng gỗ...
4. Thời điểm hành hương miếu Bà Chúa Xứ thích hợp nhất
Điều quan trọng nhất khi đến miếu Bà Chúa Xứ khấn nguyện chính là sự thành tâm, mà sự thành tâm thì không phân theo tháng hay thời điểm cụ thể. Vậy nên bạn có thể tới đây vào bất kì lúc nào cũng được.
Nhu cầu hành hương, về viếng miếu Bà Chúa Xứ ngày càng tăng. Thông thường khách hành hương cao nhất là vào tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Nguyên nhân là do trong 3 tháng này trùng rất nhiều ngày lễ lớn của Phật giáo.
Điều này thì không thay đổi được vì chúng nằm ở mặt thời gian. Chắc hẳn đến vào những dịp này tình trạng chen lấn, xô đẩy sẽ thường xuyên diễn ra.
Tuy không thể tránh được hiện tượng trên nhưng bạn vẫn có thể hạn chế chúng bằng việc đi vào những ngày đầu tuần hoặc giữa tuần.
5. Kinh nghiệm viếng miếu Bà Chúa Xứ
5.1 Nên mang theo lễ vật gì khi đến viếng?
Lễ vật phổ biến được đông đảo khách hành hương mang theo khi đến viếng chính là heo quay. Dịch vụ thuê heo quay từ đó ra đời. Nghe qua có vẻ khá ngộ nghĩnh nhưng chúng lại được rất nhiều người tận dụng.
Cụ thể là đường xa đến đây bạn có thể thuê heo quay tại chỗ làm lễ viếng. Giá cả lúc này được cân bằng kg. Sau phần khấn vái tiếp tục con heo đó sẽ được chuyền cho người tiếp theo.
Dịch vụ này xuất hiện ngày càng nhiều tại miếu Bà Chúa Xứ núi Sam và câu hỏi đặt ra lúc này là: Liệu như thế thì có chứng tỏ được lòng thành hay không? Thay vào đó chỉ chút ít trái cây và hoa quả, của ít nhưng lòng nhiều cũng đã ý nghĩa lắm rồi.
5.2 Tham khảo giá trước khi mua hàng
Nếu bạn muốn mua nhang, đèn để cúng bái Phật thì lưu ý phải hỏi giá thật kĩ trước khi mua. Địa điểm mua nên là những cửa hàng lớn dọc đường đi, các trạm dừng chân thì giá thành sẽ rẻ hơn.
Tuyệt đối không mua từ những người bán lẻ trước chùa Bà Chúa Xứ hoặc bên trong chùa. Thường giá họ bán sẽ đắt hơn, tiếp theo đó bạn còn phải chịu đựng sự chèo kéo đến khó chịu của những người bán hàng rong khác.
5.3 Ăn xin - Cẩn thận lòng tốt đặt nhầm chỗ
Ăn xin thường là những người có hoàn cảnh khó khăn, không đủ sức khỏe lao động và không có người thân để nương tựa. Tuy nhiên chẳng phải gương mặt ăn xin cũng có hoàn cảnh đáng thương như bạn nghĩ. Đôi khi đó chỉ là trò lừa gạt của một số thành phần lười lao động.
Lợi dùng lòng tốt của những người đi miếu Bà Chúa Xứ, bọn lừa gạt áp dụng chiêu trò vây lấy người khác để xin cho bằng được. Nếu không được đáp ứng bọn chúng liền trở mặt quay sang văng tục, chửi thề... Thậm chí có những người còn giả cụt tay, cụt chân, giả bệnh... để qua mắt người hành hương.
5.4 Cảnh giác với "Lộc trời cho"
Cái gọi là "Lộc trời cho" ở đây tức là khi bạn đang thành tâm khấn Phật thì lợi dụng đám đông có một người mang dúi vào tay bạn chiếc túi nhỏ, bảo là "Lộc" nhưng bạn phải trả chúng bằng tiền.
Đôi khi hình dáng của "Lộc trời cho" rất phong phú, đó có thể là tiền giấy tờ 500 đồng xếp hạc hay chiếc áo, đủ kiểu. Thực tế thì đấy chỉ là chiêu trò gạt người nhẹ dạ mà thôi. Tệ nhất là ngay cả khi bạn nhận ra điều này và từ chối không mua vẫn sẽ nhận về những lời thô tục. Tệ nạn này mặc dù đã được chấn chỉnh nhiều lần nhưng đến này vẫn chưa chấm dứt.
5.5 Thận trọng tư trang cá nhân
Những kẻ trộm cắp luôn lợi dụng đám đông để thực hiện ý đồ xấu. Đừng ỷ y vào việc tài sản ngay trên cơ thể (trong túi áo, túi xách, túi quần...) mất là bản thân cảm nhận ra ngay. Ngay cả khi cảm nhận được như vậy thì bạn cũng không thể lấy lại được.
Hành động trộm cắp chuyên nghiệp của những tên lành nghề rất nhanh, chúng lại thường đi theo đồng bọn. Khi trộm được tư trang của người hành hương chúng sẽ lập tức chuyền ngay cho đồng đội của mình. Lúc này cho dù bắt được tận mặt kẻ cắp nhưng bạn vẫn không thể xét ra đồ mình bị mất.
Đối tượng dễ bị mất nhất thường là giới nữ. Để không trở thành miếng mồi ngon của bọn trộm bạn phải luôn cảnh giác. Không nên bỏ tiền hoặc điện thoại vào túi quần. Nên đeo túi xách phía trước và giữ chặt khi ở đám đông.
Tuy có những bất cập là vậy nhưng miếu Bà Chúa Xứ vẫn thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm là bởi nét truyền thống và sự linh ứng mà nhiều người truyền miệng. Bỏ qua những điều không hay đến từ những kẻ lừa gạt thì nếu đã đến với An Giang, tuyệt đối miếu Bà là nơi bạn không nên bỏ lỡ.
Ngày nay, miếu Bà Chúa Xứ - Núi Sam Châu Đốc không chỉ là nơi hành hương linh thiêng mà còn là điểm tham quan rất hấp dẫn du khách. Giữa bầu không khí tràn đầy niềm tin tín ngưỡng còn có những quang cảnh tuyệt vời từ núi Sam sừng sững, mang lại những làn gió thanh mát làm tâm hồn người người thêm tươi mới và dư tràn an vui.
Mỹ Huệ
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ