Mâm ngũ quả ngày tết: cách bày trí đúng nhất ở 3 miền Bắc Trung Nam
Mâm ngũ quả ngày Tết gồm có những gì hay có ý nghĩa như thế nào, là thắc mắc của rất nhiều người khi ngày Tết truyền thống đã cận kề. Vậy mâm ngũ quả của 3 miền Bắc Trung Nam được bày trí ra sao trên bàn thờ gia tiên ngày Tết, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu thêm những thông tin bổ ích dưới đây.
1. Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Cứ mỗi độ xuân về thì trên bàn thờ gia tiên của mọi gia đình Việt phải luôn có mâm ngũ quả. Với người Việt, mâm ngũ quả ngày Tết mang một ý nghĩa quan trọng sâu sắc. Nó thể hiện lòng biết ơn và sự hiếu thảo của con cháu đối với ông bà tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền.
Đôi khi mâm ngũ quả còn xuất hiện trong ngày cưới của người Việt. Vào ngày lễ cưới, đàng trai sẽ mang lễ vật sang nhà gái để rước cô dâu về. Và mâm ngũ quả ngày cưới còn được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nữa bởi sự thiêng liêng và may mắn mang đến cho đôi uyên ương.
Theo yếu tố phong thủy, mâm ngũ quả tượng trưng cho "ngũ hành" tức kim (kim loại), thủy (nước), mộc (gỗ), hỏa (lửa), thổ (đất). Từ xưa, yếu tố ngũ hành đã gắn liền với đời sống của người phương Đông trong đó có người Việt. Vì thế mà nó hiện hữu trong nhiều khía cạnh khác nhau, điển hình như mâm ngũ quả ngày Tết với 5 loại quả có 5 màu khác nhau.
Ngũ là 5 tượng trưng cho sự sống, theo quan niệm người xưa thì số lẻ tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi nảy nở. Chính vì thế mà mâm ngũ quả dâng lên gia tiên thể hiện mong muốn âm dương hòa hợp, phát triển mạnh mẽ bền vững.
Tại sao lại là 5 loại quả mà không phải là con số nào khác. Trong văn hóa phương Đông, nhiều quy luật tự nhiên được gắn với chữ “Ngũ” như ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng… Số 5 tượng trưng cho sự sống, sự đầy đủ do đó mà 5 loại quả cũng ứng với thuyết ngũ hành.
Ngũ quả chỉ sự tập trung của các loại trái cây trong đất trời để cúng tổ tiên, người ta thường nhìn ngũ quả để biết được sự được hay mất của các mùa vụ lương thực trong năm qua. Lâu dần thói quen ấy trở thành phong tục của người dân mỗi khi Tết đến xuân về.
2. Các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết
2.1 Ý nghĩa của các loại quả trong mâm ngũ quả
Nhiều người thường chưng mâm ngũ quả nhưng ít ai biết đến ý nghĩa sâu xa của nó. Quả tượng trưng cho sự sung túc, thể hiện qua cấu tạo: bên trong chứa hạt tượng trưng cho sao, quả bao lấy vũ trụ, ý nghĩa là sự sinh sôi trường tồn tái sinh bất tận của sự sống.
Ý nghĩa 5 màu sắc của mâm ngũ quả cũng theo 5 màu của ngũ hành. Màu trắng (Kim). màu đỏ (hỏa), xanh (mộc), đen (thủy), màu vàng (thổ). Không những thế, "ngũ" còn mang ý nghĩa là những ước nguyện của gia chủ về cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn trong năm mới: Phúc (may mắn), quý (giàu có), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên).
2.2 Các loại quả trong mâm ngũ quả ngày Tết
Mỗi loại quả mang một ý nghĩa riêng biệt. Các loại quả thường dùng để bày trí mâm ngũ quả gồm có:
- Quả lựu: tượng trưng cho con đàn cháu đống.
- Chuối: mang ý nghĩa sum vầy, con cháu đùm bọc lẫn nhau và đầm ấm, hạnh phúc.
- Phật thủ: giống như bàn tay của Phật Tổ để che chở, bảo vệ cho gia đình.
- Lê, đào, cam, quyết, hồng: tượng trưng cho sự thăng tiến, thành đạt.
- Táo: thể hiện sự phú quý, giàu sang.
- Dưa hấu: mang màu đỏ và căng tròn, mọng nước tượng trưng cho sự may mắn.
- Thanh long: thể hiện sự phát tài, phát lộc.
- Đu đủ: mang ý nghĩa thịnh vượng, sung túc.
- Bưởi: an khang, thịnh vượng.
- Dừa: thể hiện sự viên mãn.
- Quất: sung túc, lộc lá.
- Quả trứng gà/ lêkima: có nghĩa là lộc trời cho.
- Xoài: theo cách đọc tên theo kiểu gần âm là "sài". Thể hiện mong muốn tiêu xài dư giả hơn.
- Sung: ngay cái tên đã nói lên sức khỏe, sung mãn và tiền bạc.
Ngoài tuân theo màu sắc của ngũ hành thì người ta còn chưng mâm ngũ quả theo cách đọc tên gần âm rất thú vị.
Chẳng hạn, "cầu sung dừa đủ xài" là mâm ngũ quả gồm mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Hay "cầu, sung, dừa, đủ, quất" tương ứng với "mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và trái quất". Còn rất nhiều cách đọc tên thú vị mà người dân mỗi miền gọi nên.
3. Cách bày trí mâm ngũ quả 3 miền Bắc Trung Nam
Sau khi biết được ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết cũng như các loại quả thường có trong đó thì bạn sẽ dễ dàng bày trí hơn. Tuy nhiên ở 3 miền Bắc Trung Nam thì mỗi nơi sẽ có cách chưng mâm ngũ quả khác nhau để phù hợp với phong tục nơi đó. Dưới đây là cách bày trí mâm ngũ quả ở 3 miền Bắc Trung Nam trong dịp Tết cổ truyền.
3.1 Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc đa số đều được bày trí theo thuyết "ngũ hành". Thường là 5 loại quả: chuối, bưởi, đào, hồng, quýt và có gia đình chưng thêm quả phật thủ màu vàng nổi bật.
3.1.1 Tiêu chí Mâm ngũ quả miền Bắc
Mâm ngũ quả ở miền Bắc:
- Không quá khắc khe trong việc lựa chọn quả, nhưng phải tuân theo "Ngũ hành" trong văn hóa phương Đông.
- Mâm ngũ quả phải có đủ màu sắc rực rỡ và hài hòa nhau.
- Thường là 5 loại quả bao gồm: chuối, bưởi (hoặc phật thủ), đào, hồng, quýt.
Tuy nhiên, ngày nay người ta không cứng nhắc việc chọn số 5 để bày trí mà có thể thêm nhiều loại trái cây hơn để thành bát, cửu hay thập quả với chùm nho, quả ớt,... Dù bày biện như thế nào thì cũng được gọi chung là mâm ngũ quả ngày Tết.
3.1.2 Cách bày trí mâm ngũ quả ngày Tết
Cách bày trí phổ biến nhất trong mâm ngũ quả của người miền Bắc là: nải chuối sẽ để ở dưới cùng, đỡ lấy tất cả các loại trái cây ở trên. Chính giữa là quả bưởi tròn, căng mọng nước hoặc có thêm phật thủ chín vàng nổi bật. Xung quanh là những quả chín đỏ như hồng, đào, táo còn những chỗ khuyết thì để xen kẽ quýt, ớt, quất (tắc).
Theo quan niệm của người miền Bắc, mâm ngũ quả ngày Tết đẹp là phải có nhiều màu sắc như vàng, đỏ, xanh tượng trưng cho sự may mắn và sung túc.
3.2 Mâm ngũ quả miền Trung
3.2.1 Tiêu chí mâm ngũ quả miền Trung
Mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Trung:
- Không câu nệ hình thức, bày biện đơn giản hơn 2 miền Nam Bắc.
- Không quan trọng về số lượng hay chủng loại, miễn thành tâm là được.
- Các loại trái cây thường có màu sắc tươi sáng.
3.2.2 Cách bày trí đơn giản
Người dân miền Trung do sự giao thoa của 2 miền Nam Bắc, hơn thế lại thường xuyên chịu nhiều thiên tai, đất đai lại cằn cỗi khí hậu thì khắc nghiệt. Do đó mà nơi đây không sở hữu nhiều loại trái cây đa dạng, phong phú như những miền khác. Chủ yếu có gì sẽ cúng đấy quan trọng là ở sự thành tâm của gia chủ, không quá quan trọng hay sự cầu kỳ.
Mâm ngũ quả miền Trung thường gồm các loại trái cây: dưa hấu, mãng cầu, sung, thanh long, dứa, cam, quýt, chuối, bưởi,... Thông thường, người miền Trung sẽ bày biện những quả to hay nặng ở phía dưới, những quả nhỏ và màu sắc bắt mắt hơn ở phía trên.
3.3 Mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam
3.3.1 Tiêu chí mâm ngũ quả miền Nam
Mâm ngũ quả ở miền Nam:
- Phải đủ 4 loại quả: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài. Có thể thêm sung vào cũng được.
- Kiêng những loại trái cây có phát âm không tốt như chuối, cam, lê, sầu riêng.
3.3.2 Cách bày biện mâm ngũ quả
Không giống với cách bày biện ở miền Bắc hay miền Trung, mâm ngũ quả ngày Tết miền Nam thường cầu kỳ và rất coi trọng hình thức bày biện. Người miền Nam thường bày trí mâm ngũ quả với mong muốn "cầu sung dừa đủ sài" trong năm mới tức mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Ngoài ra còn có thể cho thêm dứa làm phần chân đế hoặc dưa hấu với mong ước may mắn, vững vàng trong mọi việc.
Thông thường, người ta thường chưng những trái to như đu đủ, dừa và xoài lên phía trước. Sau đó bày những trái còn lại để tạo thành hình ngọn tháp. Như thế thì mâm ngũ quả sẽ trở nên bắt mắt và đẹp hơn khi dâng lên ông bà, tổ tiên.
Đặc biệt, người miền Nam rất kỵ chưng những loại trái cây trong mâm ngũ quả có phát âm không tốt. Chẳng hạn như chuối (chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), cam hay quýt (cam chịu, quýt làm cam chịu), sầu riêng, lê (lê lết, dễ thất bại), táo (còn gọi là bom, đổ bể), lựu (lựu đạn). Và cũng không chọn những loại quả có vị đắng hay cay.
4. Những lưu ý khi bày trí mâm ngũ quả ngày Tết
4.1 Không nên mua trái cây quá sớm
Ngoài bày trí mâm ngũ quả tuân theo "ngũ hành" và màu sắc của các loại quả thì cũng cần lưu ý nhiều vấn đề dưới đây:
Không nên mua trái cây quá sớm vì để lâu mâm ngũ quả rất dễ bị hỏng. Mâm ngũ quả thường được để sau 30 Tết do đó nếu mua sớm sẽ không ngon.
Cũng không lựa những loại quả quá chín, chẳng hạn xoài thì nên lựa quả ưng ửng để khi chưng có màu đẹp. Chuối thì nên là chuối xanh, đu đủ cũng nên ửng vàng.
4.2 Mâm ngũ quả ngày Tết thường có 5 loại
Mâm ngũ quả thường gồm 5 loại, số lẻ thể hiện sự sinh sôi, nảy nở và phát triển. Ngày nay, người ta không còn quá cứng nhắc về số lượng của các loại trái cây trong mâm ngũ quả. Người miền Bắc thì vẫn còn chọn số lẻ khi bày biện mâm ngũ quả cúng gia tiên. Người miền Trung và miền Nam thì thoải mái hơn khi bày trí. Bởi yếu tố thẩm mỹ và chủ yếu là ở tấm lòng của gia chủ do đó, các mâm ngũ quả thường đầy đủ màu sắc và rất đa dạng các loại trái cây.
Tuy không còn quan trọng nhiều về số chẵn, lẻ nhưng mâm ngũ quả thì phải theo nguyên tắc: chỉ đặt quả không đặt thêm hoa hay bất kỳ một loại thực phẩm nào khác.
Số lượng trên mâm ngũ quả ngày Tết chỉ tính loại, không đếm quả. Chẳng hạn, chuối thì là 1 nải chứ không đếm số lượng quả chuối,...).
4.3 Chỉ nên dùng khăn để lau sạch trái cây
Một sai lầm nhiều người mắc phải khi bày biện mâm ngũ quả là rửa sạch trái cây trước khi cúng. Như thế sẽ làm trái cây dễ bị thối, hư bởi nước còn đọng lại ở vài chỗ. Kinh nghiệm là bạn chỉ nên dùng khăn giấy ẩm để lau qua các loại trái cây là được, mâm ngũ quả của nhà bạn sẽ để được lâu hơn đấy.
5. Nguồn gốc mâm ngũ quả ngày Tết
5.1 Nguồn gốc theo thuyết duy vật cổ đại
Theo thuyết duy vật cổ đại, thì mọi vật chất đều được tạo thành bởi 5 yếu tố là : kim loại (kim), gỗ (mộc), nước (thủy), lửa (hỏa) và đất (thổ) – gọi là ngũ hành. Tục lệ bày mâm quả với 5 loại khác nhau trên bàn thờ ngày Tết cũng được xuất phát từ quan niệm này.
Trên mâm quả ngày Tết, ngũ quả thường bao gồm 5 loại quả khác nhau, con số 5 nhằm thể hiện ước muốn của người Việt là đạt được ngũ phúc lâm môn: Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh.
5 màu sắc còn mang ý nghĩa là của cải 5 phương để mang về kính lên tiên tổ. Ý nghĩa của từng loại quả được giải thích: Nải chuối có màu xanh tượng trưng Đông phương, quả bưởi có màu vàng tượng trưng Trung phương, quả hồng có màu đỏ tượng trưng Nam phương, còn quả Lê có màu trắng thì tượng trưng cho Tây phương, thêm một loại quả có màu sắc sẫm (chẳng hạn như măng cụt,...) là tượng trưng cho Bắc phương.
5.2 Nguồn gốc theo kinh Vu Lan Bồn
Thêm một nguồn gốc khác của mâm ngũ quả ngày Tết được giải thích như sau. Trong kinh Vu-lan-bồn do Phật thuyết cho Mục-Kiền-Liên về cách để cứu Mẹ của ông thoát khỏi kiếp Ngạ Quỷ. Có nhắc tới việc phải chuẩn bị một mâm ngũ quả dưới hình thức ” trái cây năm màu” đem cúng dường chư Tăng. Theo quan niệm nhà Phật thì trái cây 5 màu tượng trưng cho “ngũ thiện căn” gồm: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn) và huệ căn (sáng suốt).
Tìm hiểu kỹ thì mới biết mâm ngũ quả ngày Tết có rất nhiều ý nghĩa mà chúng ta không biết. Cách bày trí mâm ngũ quả của 3 miền đất nước cũng thật khác nhau. Dù là ở đâu đi chăng nữa thì ngày Tết, mâm ngũ quả cúng gia tiên cũng phải thật đẹp mắt và thành tâm đấy nhé. Chúc bạn và gia đình năm mới: "An khang thịnh vượng".
Trúc Phương.
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ