Đặt Tour: 0902 107 107

Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn, Hội An

Chiêm Sơn là vùng đất “địa linh” với nhiều huyền thoại bí ẩn về Dinh Bà Chiêm Sơn, nơi mà con người đã gửi gắm niềm tin vào thần linh huyền bí. Lễ hội Dinh Bà mỗi năm cũng chính là thời điểm mà biết bao du khách gần xa tìm về, đặc biệt là du khách nước ngoài yêu thích du lịch Việt Nam.

Đến với tour du lịch Hội An 4 ngày 3 đêm, du khách sẽ có dịp nghe về sự tích lễ hội Dinh Bà. Có một câu chuyện kể rằng, ngay từ buổi đầu lập làng, người dân làng Chiêm Sơn đã phát hiện ra tượng Bà Đá trong khu rừng nhỏ. Kỳ lạ thay, pho tượng đá ấy nặng đến nỗi mà biết bao dân làng Mậu Hòa khiêng thế nào cũng chẳng nhích đi được.


le-hoi-dinh-ba-lang-chiem-son

Lễ hội Dinh Bà làng Chiêm Sơn


Vậy mà vào một đêm trăng sáng, tám người chăn trâu làng Chiêm Sơn đã thực hiện ý định đưa bà về làng mình thờ phụng. Họ mang theo dây thừng và những cây tre chắc dẻo để chuyển pho tượng. Thật ngạc nhiên, họ chuyển pho tượng nhẹ như không. Nhưng khi về ngang qua ngọn đồi Chiêm Sơn, dây thừng tự nhiên bị đứt và từ lúc đó, pho tượng trở nên nặng nề khó hiểu. Người dân cho là Bà đã quyết định dừng tại nơi này nên đã xây một ngôi miếu thờ Bà tại đó. Ngôi miếu nhìn ra hướng mà họ đã tìm thấy tảng đá.

Kể từ khi Bà yên vị ở làng Chiêm Sơn thì lạ lùng thay dân làng ngày một thịnh vượng. Người dân tin rằng Bà là một vị phúc thần phù trợ cho dân làng. Bởi từ trước, làng Chiêm Sơn luôn gặp hạn hán, mất mùa, côn trùng phá hoại mùa màng. Thế mà từ khi Bà về với dân làng thì những cảnh tượng khó khăn, khổ sở đó không còn vây lấy người dân làng Chiêm Sơn nữa. Làng ngày càng trù phú. Nông nghiệp trúng mùa, làng nghề mở rộng với ngành dệt lụa tơ tằm nổi tiếng đã đi vào văn học dân gian. Nếu là người dân làng Chiêm Sơn, mấy ai quên được câu: “Chiêm Sơn là lụa mĩ miều. Mai vang tiếng cửi, chiều chiều tơ giăng”.

Ngày nay, nếu có dịp ghé thăm Dinh Bà, du khách sẽ được chiêm ngưỡng pho tượng đá cao khoảng 1m. Tư thế tượng ngồi tự nhiên và được làm bằng đá sa thạch, tai dài, đầu đội mũ, chân xếp bằng, mặc áo choàng vai, chung quanh vương miện có 7 đầu rắn thần. Theo sử sách ghi lại, có thể pho tượng được tạc vào khoảng thể kỷ XVIII. Năm thứ năm niên hiệu Duy Tân, Bà được sắc phong là Thái Dương Phu nhân.

Đến năm Khải Định thứ 9, một lần nữa Bà được tôn vinh với danh hiệu Trung  Đẳng Thần. Theo dân gian, thì Dinh Bà Chiêm Sơn rất có thể là một trong những nơi tín ngưỡng dân gian về thờ Mẫu- người mẹ của làng. Tín ngưỡng này đã theo chân những cư dân Bắc bộ vào hòa hợp với vùng đất linh thiêng này. Cho đến tận bâây giờ, người dân làng Chiêm Sơn vẫn giữ lấy niềm tự hào về câu chuyện huyền bí về vị nữ phúc thần của làng. Hằng năm, dân làng tổ chức hội làng cũng là dịp để tri ân đến vị phúc thần của họ. Lễ vật dâng lên cho Bà gồm có cơm, thịt heo và trái cây. Ngoài các lễ vật đó thì không thể thiếu một con cua, một nhánh tỏi, một cây cải và một con chồn.

Ai có lòng thành còn dâng thêm lên Bà một đĩa xôi và một con gà luộc. Sau tế lễ, tất cả các lễ vật phải được trả lại cho dân làng và phải dùng hết trong 1 ngày. Những người tế lễ phải là những người lớn tuổi và có uy tín trong làng. Hội đồng tế lễ thường khoảng từ 20 đến 30 người thay mặt cả làng thực hiện nghi thức cao quý đó.

Lễ hội được tổ chức vào ngày 10 đến ngày 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội còn là dịp để dân làng tổ chức các trò chơi dân gian như hát tuồng, bài chòi, đá gà, thi cờ tướng,…Và theo kinh nghiệm du lịch Hội An thì đây còn là dịp để du khách khám phá về lễ hội thiêng liêng của dân làng Chiêm Sơn.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook