Đặt Tour: 0902 107 107

Lễ hội dấu ấn đồng Nọc Nạng ở Bạc Liêu

Ngày nay, các web lữ hành ngoài việc cung cấp thông tin sản phẩm du lịch, còn thường xuyên cập nhật tin tức về lễ hội ở các vùng để du khách theo dõi tham khảo. Nếu bạn là người quan tâm đến Bạc Liêu, thể nào cũng sẽ tìm được những thông tin giá trị liên quan đến Lễ hội dấu ấn đồng Nọc Nạng ở Bạc Liêu.

le-hoi-dau-an-dong-noc-nang

Lễ hội dấu ấn đồng Nọc Nạng ở Bạc Liêu

Nếu xưa du lịch Bạc Liêu vốn thu hút du khách bởi cảnh quan là chủ yếu, thì nay đã thêm phần hấp dẫn du khách xa gần bởi những lễ hội địa phương đáng chú ý. Nói về lễ hội ở đây, không thể không đề cập đến Lễ hội dấu ấn đồng Nọc Nạng. Đây là lễ hội ghi lại chiến công của nông dân đồng Nọc Nạng, trong cuộc đấu tranh với chính quyền thực dân và bè lũ tay sai. Lễ hội được tổ chức từ ngày 15 đến ngày 17/2 âm lịch hàng năm, tại Di tích đồng Nọc Nạng thuộc ấp 4, xã Phong Thạnh, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Tên gọi đồng Nọc Nạng bắt nguồn từ việc những người dân đầu tiên khai phá vùng đất hoang vu tại Bạc Liêu, đã chặt cây cối đóng sâu xuống sình lầy thay thế cho cây nọc làm nhà, và người ta gác nạng lên trên cây nọc dần dần tạo hình thành ngôi nhà ở trên cao nhằm tránh thú dữ. Tên gọi ghép lại từ nọc và nạng ấy đã trở thành tên gọi đồng Nọc Nạng quen thuộc cho đến ngày nay.

Và cũng trên cánh đồng Nọc Nạng, vào năm 1928 đã diễn ra một sự kiện chấn động. Đó là cuộc nổi dậy của gia đình anh em Mười Chức đối đầu với tên địa chủ Mã Ngân khét tiếng. Nguyên nhân của cuộc nổi dậy là do tên địa chủ Mã Ngân lập mưu chiếm lấy ruộng đất của gia đình anh em Mười Chức. Nhờ vào thế lực và tiền lót tay cho quan tòa mà sau đó không lâu mảnh đất xương máu tổ tiên của anh em Mười Chức đã lọt vào tay địa chủ Mã Ngân. Quá căm phẫn trước hành vi bạo ngược của tên địa chủ, anh em nhà Mười Chức (trong đó có Mười Chức, Nhẫn, Nhịn và bà Nghĩa – vợ Mười Chức) đã làm lễ trước bàn thờ tổ tiên quyết sống chết để bảo vệ tài sản gia đình.

Chuyện gì đến sẽ đến, sáng ngày 16/2/1928, binh lính của địa chủ Mã Ngân kéo đến để tịch thu lúa tại sân nhà anh em Mười Chức. Cuộc xô xát không cân sức đã diễn ra ác liệt. Phía địa chủ dùng súng, phía anh em Mười Chức chỉ có gậy gộc, giáo mác. Cuối cùng, phía địa chủ cũng có nhiều tên bị giết, nhưng 4 người trong nhà Mười Chức cũng đã ngã xuống vì bị bắn.

Để tưởng nhớ tinh thần quyết không cúi đầu trước cường hào ác bá của gia đình Mười Chức, người dân Bạc Liêu đã xây dựng Khu di tích đồng Nọc Nạng tại nơi diễn ra cuộc nổi dậy. Đến năm 1991, di tích đồng Nọc Nạng được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Ngày nay, du khách khi đến với Khu di tích đồng Nọc Nạng sẽ thấy được quy mô hoành tráng của di tích với diện tích gần 3ha, bao gồm các hạng mục công trình: Khu mộ gia đình Mười Chức, nhà trưng bày, nhà tưởng niệm, cụm tượng đài tái hiện cuộc đấu tranh chống bọn chính quyền tay sai cướp lúa…

Hằng năm, nếu du khách đến Bạc Liêu vào dịp ngày 15 đến 17/2 âm lịch, ghé thăm điểm tham quan Bạc Liêu di tích đồng Nọc Nạng, sẽ có dịp chứng kiến lễ hội cùng tên khá long trọng. Lễ hội diễn ra với nghi thức tưởng niệm và dâng hương, dâng hoa đến những người đã ngã xuống. Từ khi ra đời, lễ hội đã thu hút được rất nhiều người tham dự cả trong tỉnh và ngoài tỉnh. Vì thế, tỉnh Bạc Liêu đã chọn lễ hội đồng Nọc Nạng vào chương trình Du lịch Quốc gia Mêkông – Cần Thơ để ngày càng mở rộng hình ảnh của lễ hội ý nghĩa này.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook