Tìm về chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết - điểm đến tâm linh nổi tiếng
Gắn liền với những câu chuyện linh thiêng về tục thờ Mẫu, chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết đã trở thành điểm tham quan nổi tiếng của nhiều người khi đặt chân đến vùng đất này. Tìm đến Bà, người ta mang theo cả tâm tư, ước vọng và cả những niềm tin bất diệt vào một cuộc sống bình an, may mắn. Du lịch Phan Thiết, nếu có dịp, chớ quên ghé thăm nơi này.
1. Hướng dẫn đường đi đến chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết
Chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết nằm ven sông Phú Hài, cách khu du lịch Mũi Né tầm 20km. Đây là khu vực có hoạt động giao thương, buôn bán khá tấp nập, các ghe, thuyền thường tụ tập về để neo đậu và trao đổi với nhau.
Từ trung tâm thành phố Phan Thiết, để đi đến chùa Bà Thiên Hậu, du khách đi theo đường Hùng Vương, băng qua vòng xoay Phú Thúy, sau đó rẽ vào đường Nguyễn Thông, chạy qua sông Phú Hài rồi rẽ vào đường Phú Long, hỏi người dân chùa bà Thiên Hậu ở đâu thì hầu như ai cũng biết.
Đường vào chùa Bà khá nhỏ, tuy nhiên vào những dịp lễ lại có khá nhiều người đến chiêm bái, lễ viếng. Vì nằm sát sông nên không khí ở đây khá mát mẻ, thoáng đãng. Ban đầu, chùa chỉ là một ngôi miếu nằm trên mô đất nhỏ, về sau được trùng tu và ngày càng phát triển rộng hơn.
Định vị những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng tại Phan Thiết, Bình Thuận
2. Lịch sử chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết
Gắn với lịch sử chùa bà Thiên Hậu Phan Thiết, có khá nhiều câu chuyện được kể ra, truyền miệng từ đời này sang đời khác. Theo đó, chùa được xây dựng vào năm 1725, do một nhóm người Hoa phát tâm xây dựng và cúng dường.
Còn về lý do xây chùa Bà ở đây, có tích kể lại như sau: Trước đây, các thương gia người Hoa thường đến biển Phú Hài để giao thương, buôn bán với người Việt. Sau khi cập bến, các ghe tàu thường đi vào chợ Dinh để cung cấp tôm cá cho các tiểu thương. Để cầu mong cho việc đi tàu, ghe được thuận buồm, xuôi gió, đa phần các chủ đều thờ Bà Thiên Hậu để cầu mong được phù hộ, củng cố thêm niềm tin.
Tuy nhiên, vào một hôm, chủ của một ghe đánh bắt cá bị chết máy, phải neo vào sông Phú Hài để chờ sửa chữa. Để thuận tiện hơn, người chủ này di chuyển tượng bà Thiên Hậu lên bờ để thợ dễ dàng làm việc. Nhưng, sau khi sửa ghe xong., lúc khiêng tượng Bà về lại chỗ cũ thì bỗng nhiên hóa nặng, bao nhiêu người đàn ông to lớn cũng không thể làm dịch chuyển được.
Thấy có điềm linh thiêng, người dân ở đây liền làm miếu nhờ bà Thiên Hậu ngay tại vị trí mà người chủ ghe kia để để tạm bà trong quá trình chờ sửa ghe. Cũng kể từ đó, nhiều câu chuyện ly kỳ được đồn tai nhau nhiều hơn. Có người cho rằng bà thường xuyên hóa độ, cứu giúp dân làng vượt qua bão dữ để tai qua, nạn khỏi. Thế nên, người dân ở đây cực kì tin vào miếu và thờ cúng rất cẩn thận. Không chỉ vậy, tiếng lành đồn xa, nhiều du khách khi đi du lịch Phan Thiết lễ 30/4, lễ 2/9, Tết,... thường đến đây để cầu bình an, mong những điều an yên trong cuộc sống.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị đổ sụp hoàn toàn. Mặc dù người dân đã cố gắng gây dựng lại nhưng do an ninh lúc bấy giờ còn chưa ổn định, thế nên miếu thờ vẫn chưa được trùng tu vững chắc. Phải đến năm 1995, Ban Quản lý tại địa phương mới cấp phép cho xây dựng lại ngôi đền, nhưng đến 2003, việc xây dựng mới được hoàn thành.
Cho đến nay, chùa Bà Thiên Hậu ở thành phố Phan Thiết đã mang một diện mạo hoàn toàn mới, với các gian thờ được xây dựng vô cùng vững chãi. Hằng năm, vào ngày vía Bà, người dân Phú Hài nói riêng và ở các vùng biển lân cận nói chung đều về dâng hương để tưởng nhớ công ơn của Bà.
Lại có tích khác cho rằng, thần được thờ trong đền chính là con gái thứ hai của Ôn Công, trước đây đã luyện phép tiên và giáng xuống để bảo vệ bình an cho người dân. Để ghi nhớ công ơn, nhà vua đã cho dựng đền thờ và phong làm Thiên Hậu thánh mẫu.
Dù với sự tích như thế nào, cũng có thể thấy được tấm lòng tri ân và công ơn hóa độ của Bà Thiên Hậu - đây là một nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Nam.
3. Chùa Bà Thiên Hậu - Nơi lưu giữ những nét đẹp tín ngưỡng, kiến trúc độc đáo
Được xây dựng vào năm 1725, chủ yếu do các thương nhân người Hoa góp công và cúng dường, thế nên chùa mang đậm nét đặc sắc của kiến trúc phương Bắc.
Cổng tam quan vào chùa cũng được trạm trổ vô cùng công phu, các nét vẽ, màu sơn và các bài trí khá giống với người Trung Hoa. Về sau, sau nhiều lần trùng tu chùa đã có những nét tạc tượng xuất phát từ người Việt, với những câu đối, bức hoàng thể hiện đặc sắc của nước Nam.
Qua cổng Tam quan, khách thập phương sẽ đi qua một khoảng sân khá rộng trước khi bước vào chùa. Phía bên trong, nơi thờ cúng được xây dựng theo kiến trúc người Hoa, gồm gian thờ bà ở chính giữa và các vị thần ở hai bên. Ngoài ra, đền cũng có khu cầu an cho thí chủ và cầu siêu cho những người đã mất.
Bước vào chùa, mùi khói nhang tỏa nghi ngút cùng với màu gỗ đỏ được sơn son, thếp vàng càng khiến cho người ta cảm thấy linh thiêng và hết lòng thành kính với tôn tượng. Hình ảnh các tượng rồng, phượng được chạm trổ cực kì tinh xảo, với nét vẽ quen thuộc của các nghệ nhân, vừa tôn thêm nét đẹp cho ngôi đền, vừa mang ý nghĩa tâm linh trong tục thờ Mẫu.
Cũng ở hai bên hông chùa, vào những ngày lễ lớn, hàng ngàn người dân đến đây để cầu nguyện mong những điềm lành sẽ đến với người thân và gia đình, tạo nên không khí lễ hội vô cùng đông đúc, nhộn nhịp. Vì vậy, chùa Bà Thiên Hậu được đánh giá là một trong những ngôi chùa linh thiêng tại Phan Thiết.
Cũng chính tại chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết, những tư liệu, hiện vật Hán Nôm vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn qua những câu đối, bức hoành phi, tượng điêu khắc, bia đá..., tạo nên những giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng của người Việt.
Trải qua hàng trăm năm biến động, chùa Bà Thiên Hậu Phan Thiết chính là nhân chứng sống, là nguồn tư liệu quý giá để nghiên cứu các giá trị ngôn ngữ, lịch sử địa phương.
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ