Sông nước hữu tình - Một nét văn hóa Miền Tây
Chắc hẳn ai trong các bạn dù chưa đi du lịch miền Tây bao giờ cũng đã hơn một lần nghe câu “Miền Tây sông nước hữu tình” . Đồng Bằng Sông Cửu Long chi chít sông ngòi kênh rạch, vùng đất được mệnh danh “chín con rồng” này đã ảnh hưởng đến nếp sống, văn hóa, cũng như những sinh hoạt đặc trưng của người dân nơi đây! Khi nhắc đến miền Tây, một trong những điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ của tôi luôn là hình ảnh của Chợ nổi – một nét văn hóa rất riêng của miền Tây!
Do vị trí địa lý nên người dân miền Tây chủ yếu đi lại trên sông nước, hàng hóa thường được mang lên ghe, chở ra một đầu mối ở sông để mà bán, từ đó chợ nổi ra đời! Dù rằng miền Tây có rất nhiều chợ nổi với những nét đặc thù khác nhau, nhưng Ngã Bảy, Cái Răng, Cái bè và Ngã Năm với vị trí địa lý phù hợp đã trở thành bốn chợ nổi sôi động và có tiếng nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Những chợ nổi này đã hình thành hơn trăm năm nay, sinh động hơn cả chợ nổi nhân tạo ở Thái Lan. Đối với những người mua bán lênh đênh sông nước, chiếc ghe không chỉ là “cửa hàng” mà còn là “ngôi nhà di động” của họ, mọi hoạt động mua bán, sinh hoạt của gia đình đều được diễn ra trên ghe, tuy không gian có phần nhỏ hẹp nhưng những vật dụng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày vẫn được thương hồ sắp xếp gọn gàng.
Chợ nổi nhóm họp cả ngày nhưng đông nhất là buổi sáng, khi trời còn chút sương giăng và nắng hãy còn dìu dịu, nếu ngày trước người dân dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để ở và buôn bán thì ngày nay bộ mặt của chợ nổi đã thêm phần đa dạng và phát triển khi tắc ráng và ghe máy ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn. Đến với chợ nổi, các bạn có thể tìm thấy nhiều mặt hàng không thiếu thứ gì! Từ cây kim, cọng chỉ cho đến những loại thực phẩm, đồ gia dụng. Bạn còn được chứng kiến cảnh hàng trăm ghe xuồng ngày đêm tụ họp, bán đủ thứ hàng hóa miệt vườn: tôm, cua, rùa, rắn, rau quả, đặc sản địa phương, hàng hóa rất đa dạng và có thể trao đổi hàng hóa nông sản như: xoài, mận, cam, bưởi, vú sữa,… tấp nập, sôi động cả một vùng sông nước! Nếu như chợ trên bờ được khách hàng biết đến qua những tiếng rao bán thì chợ nổi chỉ sử dụng những tín hiệu: Các sản phẩm miệt vườn được treo lên một cây sào cắm trước mũi ghe gọi là “cây bẹo”. Người mua chỉ cần nhìn vào cây bẹo là có thể biết ngay ghe bán thứ gì! Và hình như quán xá cũng theo người xuống nhóm họp trên sông, các bạn có thể dễ dàng tìm thấy những món ăn đậm chất dân dã như bánh tét, bánh canh ngọt, bánh bột lọc, hủ tiếu sườn, café, …. giá cả bình dân và hương vị khó có thể quên được! Với những ai chót đam mê thú vui nghe đờn ca, hò đối đáp, cải lương,… và nhâm nhi vài chum rượu thì chắc chắn không thể bỏ qua những quán nhậu nổi nơi đây!
Ngày nay xã hội phát triển và chợ nổi cũng đã phát triển theo, nơi đây đã trở thành địa điểm du lịch trong nước khá đặc biệt luôn có sức hút lạ lùng với du khách gần xa! Nhưng cũng như câu : “Hòa nhập nhưng không hòa tan” – chợ nổi vẫn giữ những nét văn hóa từ ngàn xưa cho riêng mình, thương hồ vẫn chân chất và đáng quí, họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, mênh mông, rộng rãi như nước sông hồ.
Tour Nha Trang 3N3Đ - Dốc Lết - Bãi Tranh - Vinpearl Harbour - Buffet Hải Sản
Xe giường nằm
2,390,000đ