Đặt Tour: 0902 107 107

Nông trường trà Bảo Lộc – Màu xanh đầy thổn thức

nong-truong-tra-bao-loc-1Vài năm trở lại đây, các tour du lịch Đà Lạt, đều ít nhiều nhắc đến không chỉ các thương hiệu trà Bảo Lộc nổi tiếng, mà còn đề cập đến tên các nông trường trà Bảo Lộc gắn liền với các danh trà ấy, hình thành các cuộc thảo luận lớn nhỏ luôn thu hút sự quan tâm của những du khách yêu trà. Dù vậy, xoay quanh câu chuyện trà, từ sản phẩm hay ngược về những búp non còn ở trên cây, nơi các nông trường xanh ngút tầm mắt, có lẽ không phải ai cũng có cơ hội để hiểu hay biết hết những gì gắn với nó.

nong-truong-tra-bao-locCó thể bạn cũng là người rất thích thưởng thức trà, hay đã từng ít nhất một lần được lội trong những hàng trà thẳng tắp, tay miên man từng búp non mềm mại như nhung, nhưng cũng không hẳn là bạn biết rõ về trà của xứ B’lao lặng thầm chút xa xôi. Câu chuyện lùi về rất xưa, từ thuở đất nước còn chìm trong khói lửa, thì cây trà đã xuất hiện ở Lâm Đồng và vùng đất như Di Linh, Bảo Lộc thời ấy, là những lựa chọn ưu tiên để phát triển cây trà vì thổ nhưỡng khí hậu rất phù hợp. Thời đó, người ta gọi những đồi trà là các đồn điền trà của Pháp gắn với những cái tên rất Tây và thương hiệu cũng rất Tây. Một thời, những người nông dân xứ trà nay nổi tiếng, từng làm mướn cho “sở Tây” trên chính mảnh đất của mình sinh sống, họ cặm cụi chăm bón, làm cỏ, bỏ phân, hái trà khi đến kỳ lên búp, rồi lại cặm cụi hái nụ, mót bông khi đến độ lá già. Già trẻ, lớn bé đều có thể lội vào đồn điền trà “sở Tây”, sau khi làm thuê thì có thể nhặt nhanh dăm ba ký nụ về phơi khô để pha nước. Dần dà, những vườn trà nho nhỏ của chính người dân cũng ra đời và phát triển. Họ học kỹ thuật của Tây, hay tự mày mò thêm phát triển cây trà theo kinh nghiệm và hiểu biết của mình về cây trà. Khi chiến tranh không còn, “sở Tây” cũng biến mất, cây trà cũng tam phen tứ phen chao đảo ngả nghiêng theo thời cuộc. Có khi những vườn trà lâu năm bị đốn bỏ, thay thế vào đó là dâu tằm, là cà phê, đến lúc trà khan hiếm, người ta lại chặt phăng cà phê lẫn dâu để khôi phục lại vườn trà. Đến thăm những nông trà nổi tiếng hiện nay ở Bảo Lộc như Nông trường trà Tâm Châu, nông trường trà Phú Sơn, nông trường trà Cầu Tre, nông trường trà Phương Nam, nhìn ngắm những hàng chè thẳng tắp ngút tầm mắt, búp non mơn mởn như lụa như nhung, có lẽ không ai có thể hình dung hết, những thăng trầm mà cây trà đã trải qua ở xứ này. Theo thống kê của năm 2010, diện tích trồng trà của Lâm Đồng có hơn 20.000ha với sản lượng gần 200.000 tấn, trong đó, các diện tích và sản lượng từ các nông trường trà Bảo Lộc chiếm một phần trăm không nhỏ, hay nói cách khác là chiếm phần chính yếu. So với giống trà ngày trước, nay đã có nhiều giống mới được thay thế, hay so với kỹ thuật trồng ngày trước, nay cũng được cải tiến rất nhiều. Bên cạnh những vườn trà sở hữu riêng của các nhà nông, thì các nông trường quy mô được hình thành như khôi phục lại những đồn điền trà rộng lớn một thời. Cây trà, sau những thăng trầm bất ổn, lại trở lại đứng vững với những giá trị của riêng nó và lại tiếp tục những câu chuyện đầy hồ hởi từ nhà nông trên mảnh đất của riêng họ, hay từ những người làm công trên những nông trường trà xanh ngát. Tuy nhiên, cũng không ai chắc chắn rằng, sự ổn định của cây trà sẽ luôn được vững vàng như thế khi ở vùng đất này, vùng đất luôn có những trào lưu thay đổi, dẫu chỉ quanh quẩn quanh 3 loại cây lâu năm chính yếu là trà, cà phê và dâu tằm.

Với du khách phương xa, đôi khi dừng lại thăm các nông trường trà quy mô, hay chỉ là dịp ngắn dừng lại bên đường khi đi ngang thành phố Bảo Lộc, không dấu nổi thổn thức về vẻ đẹp lạ lùng của đồi trà xanh tươi. Dù thế, trong màu xanh tươi ấy và vẻ đẹp lặng thầm ấy, cũng còn ẩn chứa rất nhiều nỗi lòng của bao người, luôn thoáng chút nghĩ suy mong mỏi, mong rất nhiều năm sau nữa, Bảo Lộc vẫn luôn đầy những đồi trà xanh mướt như thế, những nông trường trà ngút ngàn như thế, cùng vị ngọt thanh của vị trà đất cao nguyên đặc trưng không đổi thay, để luôn nồng đượm nơi lòng du khách ghé thăm một tình yêu nhẹ nhàng nhưng da diết mãi không nguôi.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook