Đặt Tour: 0902 107 107

Review chùa Thiên Vương Cổ Sát đậm nét Trung Hoa độc đáo ở Đà Lạt

Chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt là một trong những địa điểm du lịch tâm linh tại thành phố mộng mơ. Nơi đây mang lối kiến trúc độc đáo, khác biệt của người Hoa. Bên cạnh đó là chiếc bàn xoay kỳ lạ thu hút sự quan tâm của khá nhiều du khách đến đây.

1. Giới thiệu về chùa Thiên Vương Cổ Sát

Nhắc đến Đà Lạt là ai cũng nghĩ ngay đến thành phố mộng mơ hay xứ sở sương mù. Không chỉ vậy, nơi đây còn là nơi của nhiều ngôi cổ tự độc đáo. Đáng kể nhất là ngôi chùa linh thiêng và cổ kính - Thiên Vương Cổ Sát. Chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt thường được biết đến với tên gọi là chùa Tàu, hay chùa Phật Trầm. Sở dĩ, gọi là chùa Tàu vì đây là một ngôi chùa thuộc dòng Hoa Nghiêm Tông ở Trung Quốc. Bên trong chùa có thờ 4 vị Thiên vương gồm: Tăng trưởng Thiên vương, Trì Quốc Thiên vương, Quảng Mục Thiên vương, Đa Văn Thiên vương. Tên gọi Thiên Vương Cổ Sát cũng từ đây mà ra. Còn tên gọi chùa Phật Trầm xuất phát từ tượng Phật làm bằng gỗ trầm đang thờ bên trong chùa.

Chùa thiên vương cổ sát đà lạt

Chùa Thiên Vương Cổ Sát thu hút nhiều du khách

Đây là một trong những ngôi chùa cổ kính tại Đà Lạt. Chùa được khởi công xây dựng từ những năm 1958 bởi các nhà sư và phật tử người Hoa. Lúc đầu, chùa có thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm 3 gian nhà gỗ lợp tôn. Nhưng theo thời gian, ngôi chùa đã dần xuống cấp. Đến năm 1989 chùa đã được trùng tu lại nên mới rộng rãi và thoáng đãng như bây giờ.

Lối kiến trúc ở đây có sự hết hợp phong cách giữa chùa của người Hoa và hội quán. Nơi đây mang đậm giá trị tinh thần và văn hoá của cộng đồng người Hoa nói riêng và người Đà Lạt nói chung. Ngoài ra, các nhà sư ở đây đều thành thạo tiếng Quảng Đông - điều mà không phải ngôi chùa nào cũng có. Bên cạnh đó, ngôi chùa này còn nổi tiếng là nơi thờ tự linh thiêng và uy nghiêm. Cùng với đường khá dễ đi nên được rất nhiều khách tham quan tìm đến.

Chùa thiên vương cổ sát đà lạt

Chùa mang kiến trúc Trung Hoa độc đáo

2. Hướng dẫn đường đi đến chùa Thiên Vương Cổ Sát

Chùa Thiên Vương Cổ Sát có địa chỉ tại số 385, đường Khe Sanh, phường 10, Tp. Đà Lạt.

Ngôi chùa ẩn mình tại một nơi yên tĩnh trên Đồi Rồng, chỉ cách thành phố Đà Lạt 5km về hướng Đông Bắc. Nơi đây nằm hiền hoà dưới những tán cây xanh mướt và trong lành. Khoảng cách vừa đủ để lánh xa thanh âm ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống đời thường.

Không quá khó để du khách tìm đường đến ngôi chùa này. Bạn có thể chọn đến đây bằng nhiều phương tiện như: xe khách, xe ôm hoặc là di chuyển tự túc.

  • Nếu là xe khách hay xe ôm thì du khách sẽ bắt đầu đi từ bến xe liên tỉnh Đà Lạt, điểm đến là chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt. Chùa cách bến xe này khoảng 3,2km. Cách sân bay Cam Ly 7km.
  • Đối với du khách tự di chuyển. Nếu bạn xuất phát từ trung tâm thành phố thì đi theo đường Trần Hưng Đạo để đến đường Khe Sanh. Khi vào đường Khe Sanh, đi thẳng thêm 350m là đến chùa.

3. Chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt có gì hấp dẫn?

Ngay khi vừa đặt chân đến cổng chùa, du khách sẽ cảm nhận được lối kiến trúc tinh tế, khác biệt ở nơi đây. Từ sân gạch, mái chùa, các cây cột và biển hiệu đều in đậm dấu ấn Trung Hoa.

Cổng tam quan

Trước khi bước vào sân chùa, du khách sẽ phải bước qua cổng tam quan. Cổng tam quan được xây dựng khá đơn giản nhưng vô cùng uy nghiêm. Ở đây gồm có 2 cổng nhỏ hai bên nép vào một cổng to ngay giữa. Bên trên dòng chữ màu đỏ là mái ngói đã bám màu rêu phong. Dưới những tán cây cao, chiếc cổng sừng sững chặn trước lối vào chùa.

Chùa thiên vương cổ sát đà lạt

Cổng tam quan được nhiều du khách check-in

Từ Bi Bảo Điện

Sau khi qua khỏi cổng tam quan, du khách sẽ đặt chân vào khoảng sân gạch rộng thênh thang và nhuốm màu thời gian trước Từ Bi Bảo Điện. Khoảng sân này tràn đầy nắng, mặc dù chùa được bao bọc bởi khá nhiều cây xanh. Vì thế không khí ở đây tuy có phần thanh tịnh, yên bình nhưng lại không nặng nề, ảm đạm.

Bên trên lối vào điện này có một tấm biển to đề tên “Từ Bi Bảo Điện” bằng chữ Hán. Ngay giữa điện là tượng Phật Di lặc cao 3m được sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Hai bên có Tứ Đại Thiên vương trấn giữ, gợi lên khung cảnh vô cùng linh thiêng và trang nghiêm.

Quang Minh Bảo Điện

Nối tiếp Từ Bi Bảo Điện là Quang Minh Bảo Điện. Đây là công trình chính của chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt. Điện có hình tứ giác, gồm 2 tầng với chiều cao 12m và rộng 15m. Từ xa, du khách có thể nhìn thấy trên đỉnh mái của nơi này là 2 con rồng quay đầu vào nhau. Bên trong điện này có thờ Tây Phương Tam Thánh gồm: Phật A Di Đà ở giữa, bên trái là Quan Thế Âm Bồ Tát, còn bên phải là Đại Thế Chí Bồ Tát. Các pho tượng được làm hoàn toàn bằng gỗ trầm hương, do chính tay Hoà Thượng Thọ Dã thỉnh từ Hồng Kông về năm 1958. Mỗi tượng cao 3m và nặng 1.500kg.

Chùa thiên vương cổ sát đà lạt

Du khách check-in ở chùa Thiên Vương Cổ Sát

Tượng Phật Thích Ca

Ngự trên khoảng sân gạch trống phía sau Quang Minh Bảo Điện là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni đang ngồi trên tòa sen. Tổng chiều cao của tượng trên dưới 10m. Dẫn lên tượng Phật có các bậc tam cấp khá cao. Hai bên chạm trổ 2 con rồng vàng vô cùng tinh xảo và nổi bật. Bên dưới bậc tam cấp là một lư hương to. Ngoài ra, sau lưng tượng là bức phù điêu 9 rồng với các tư thế khác nhau.

Chùa thiên vương cổ sát đà lạt

Tượng Phật chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt

Chiếc bàn xoay kỳ lạ

Một điều làm du khách cực kỳ tò mò khi đến chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt là chiếc bàn xoay đặc biệt. Thoạt nhìn thì chiếc bàn này không có gì đặc biệt. Cũng giống như những chiếc bàn tròn bình thường khác, bàn được làm hoàn toàn bằng gỗ, màu nâu sẫm. Mặt bàn tựa trên 1 chân trụ to nối với 3 chân đế. Hoàn toàn không có cơ quan để làm cho mặt bàn tự xoay. Thế nhưng, khi du khách nhắm mắt và đặt tay lên bàn, nghĩ về hướng quay thì mặt bàn sẽ xoay theo ý nghĩ đó. Hiện tượng này mãi cho đến nay vẫn là một bí ẩn lý thú, chưa có lời giải.

Chùa thiên vương cổ sát đà lạt

Bàn xoay đầy thú vị ở chùa Thiên Vương Cổ Sát

4. Lưu ý khi đến tham quan chùa Thiên Vương Cổ Sát

Để chuyến hành trình đến tham quan chùa Thiên Vương Cổ Sát Đà Lạt đáng nhớ và hoàn hảo, du khách nên lưu ý các điều sau đây:

  • Nhà chùa mở cửa từ 7h00 đến 17h00 hàng ngày và không thu phí vào cổng. Du khách nên sắp xếp lịch trình sao cho hợp lý.
  • Dù đến tham quan, nhưng khi bước chân vào nơi cửa Phật thanh tịnh và linh thiêng này, du khách chú ý mặc trang phục kín đáo, lịch sự. Tránh ăn mặc hở hang, phản cảm.
  • Cẩn trọng trong ngôn hành điều cực kỳ cần thiết. Đây là nhà chùa và cũng là nơi công cộng, không nên nói chuyện lớn tiếng, khó nghe.
  • Hãy là một người có ý thức bằng cách giữ gìn vệ sinh chung, không vứt rác hay khạc nhổ bừa bãi.
  • Sẽ có khoảng thời gian chùa khá đông khách, bạn cũng đừng nên chen lấn, xô đẩy mà nên xếp hàng và giữ trật tự.
  • Du khách đến đây, ngoài việc thắp hương lễ Phật thì có thể thoải mái chụp ảnh check-in. Nhưng lưu ý là không nên tùy tiện sờ tay vào các đồ vật trong chùa.

Đà Lạt không thiếu những ngôi chùa cổ kính và độc đáo, nhưng nổi bật nhất phải kể đến là chùa Thiên Vương Cổ Sát. Ngôi chùa khắc sâu vào tâm trí người lữ khách nét trang nghiêm và cổ kính với phong cách Trung Hoa. Nơi đây luôn chào đón du khách gần xa bằng những điều hấp dẫn và tinh tế nhất. Bazan hy vọng bài viết này sẽ cung cấp thêm cho bạn những điều thú vị về ngôi chùa độc đáo này nhé!


Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook