Đặt Tour: 0902 107 107

Độc đáo lễ hội đâm trâu của người Bana ở Kon Tum

doc-dao-le-hoi-dam-trau-cua-nguoi-bana-o-kon-tum-1Với người Bana ở Kon Tum lễ hội đâm trâu hằng năm đều được tổ chức vào nhiều dịp khác nhau như dịp để họ tế thần linh, mừng chiến thắng, mừng mùa màng bội thu, mừng mùa xuân,…Đây là một lễ hội độc đáo, thường được tổ chức vào khoảng từ tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch. Vì thế, nếu có dịp đi du lịch Kon Tum vào thời gian này, du khách sẽ có dịp chứng kiến lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa của người Bana.

doc-dao-le-hoi-dam-trau-cua-nguoi-bana-o-kon-tum

Độc đáo lễ hội đâm trâu của người Bana ở Kon Tum

Theo cẩm nang du lịch Kon Tum, Lễ hội đâm trâu còn có tên khác là lễ hiến sinh với nhiều nghi lễ nhỏ như lễ cúng, lễ uống rượu cần, lễ tấu cồng chiêng, lễ khóc trâu…Đây là một ngày hội lớn của người Bana, lễ hội diễn ra trong 3 ngày đêm liên tiếp và phải chuẩn bị trước cả tháng trời. Đầu tiên là những trai làng khỏe mạnh được cử vào rừng chọn gỗ Pơlang đặc trưng để làm cột Gưn, chọn dây mây chắc khỏe để bện thành dây buộc trâu.

Đến ngày lễ, khi mặt trời vừa lên sau khi đã chọn được con trâu khỏe mạnh nhất, đem cho ăn uống no, tắm rửa sạch sẽ rồi cột vào cột Gưn đã được trang trí trước đó. Lúc này, tất cả người dân trong làng tập trung lại quay tròn xung quanh để nghi thức bắt đầu.

Già làng bắt đầu đọc lời khẩn đất trời, cảm ơn thần linh phù hộ mùa màng, rồi cầu chúc mưa thuận gió hòa cho dân làng làm ăn. Khi già làng khẩn xong, một nhóm thanh niên nam nữ với trang phục người Bana đặc sắc nhảy múa vòng tròn theo tiếng cồng chiêng rộn rã. Rượu cần bắt đầu được mời đến tất cả những ai có mặt ở buổi lễ.

Điểm đặc sắc nhất của lễ hội đâm trâu có lẽ là hình ảnh những chàng trai biểu diễn võ thuật quanh cột Gưn cùng các cô gái nhảy múa theo tiếng cồng chiêng diễn ra trong một đêm. Sang ngày thứ 2, một nhóm gồm 3 thầy cúng và 2 già làng sẽ tiếp tục cúng đọc thần chú, xin dâng trâu cho thần linh và cầu mong thần linh phù hộ, xung quanh là người dân uống rượu và trò chuyện cùng nhau.

Đêm thứ 2 cả dân làng cùng thức và khóc thương cho trâu. Sang sáng của ngày thứ 3 lễ đâm trâu bắt đầu diễn ra. Sau buổi lễ, thịt trâu tế được chia đều cho nhiều người, ai cũng có một phần để mang lại may mắn.

Lễ hội đâm trâu của người Bana là một lễ hội truyền thống lâu đời, nó phản ánh nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng của người Bana. Hằng năm, khi lễ hội đâm trâu diễn ra, nhiều du khách thập phương yêu lễ hội dành thời gian tìm về, để tận hưởng không khí sôi động của lễ hội này.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook