Đặt Tour: 0902 107 107

Lễ hội Dạ cổ hoài lang nổi tiếng của đất Bạc Liêu

Theo cẩm nang du lịch Bạc Liêu, Lễ hội Dạ cổ hoài lang được tổ chức tại khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu (phường 2, thành phố Bạc Liêu), vào ngày 15 tháng 8 âm lịch hằng năm. Lễ hội là thông điệp ý nghĩa, thay lời tri ân của bà con tỉnh Bạc Liêu đến với đóng góp nghệ thuật độc đáo của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu – chủ nhân tác phẩm “Dạ cổ hoài lang”, một tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc cổ truyền Nam Bộ nói chung và của dòng nghệ thuật cải lương nói riêng.

le-hoi-da-co-hoai-lang

Lễ hội Dạ cổ hoài lang

Có dịp đi du lịch Bạc Liêu, du khách sẽ được nghe kể nhiều về Nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1890 – 1976) vốn là người con của đất Long An, nhưng do hoàn cảnh gia đình, nhạc sĩ đã đặt chân đến nhiều nơi và cuối cùng gắn bó với mảnh đất Bạc Liêu. Trong quá trình sinh sống tại đây, nhạc sĩ Cao Văn Lầu kết hôn với bà Trần Thị Tấn. Sau nhiều năm chung sống, vợ chồng người nhạc sĩ tài hoa vẫn chưa có được một đứa con nối dõi. Trước sự việc ấy, mẹ của ông đã buộc bà Trần Thị Tấn phải ra đi, chia xa tình chồng vợ. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã vô cùng đau đớn, nhung nhớ, xót xa cho tình cảnh của người vợ thủy chung. Bản Dạ cổ hoài lang cũng từ đó mà ra đời. Cho đến nay, Dạ cổ hoài lang không chỉ là niềm tự hào của người dân Bạc Liêu mà còn là khúc ca chung, một báu vật của người dân Tây Nam Bộ. Mỗi khi lời hát được cất lên, từng sợi dây cảm xúc như nối liền vào trái tim người mộ điệu.

Với đóng góp to lớn ấy của người nhạc tài ba, năm 2008, tỉnh Bạc Liêu đã trùng tu tôn tạo khu mộ của nhạc sĩ thành Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu với diện tích gần 3.000 m2. Và ngày nay, Khu lưu niệm cũng chính là nơi diễn ra Lễ hội Dạ cổ hoài lang hàng năm.

Lễ hội Dạ cổ hoài lang bao gồm các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong phần lễ như: lễ giỗ tổ cổ nhạc, đờn ca tài từ, rước đèn, thả hoa đăng… cùng phần hội là các hoạt động tham quan phòng trưng bày về các ảnh, hiện vật, tác phẩm của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Và trong hội, du khách cũng có thể tìm mua các quà lưu niệm gắn liền với lễ hội Dạ cổ hoài lang.

Có thể nói, ngoài việc tri ân nhạc sĩ Cao Văn Lầu, lễ hội Dạ cổ hoài lang còn là một không gian văn hóa nghệ thuật độc đáo của Bạc Liêu, lễ hội đã tạo được sân chơi cho những người yêu mến nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử có dịp giao lưu với nhau. Lễ hội Dạ cổ hoài lang cũng từ đó phát huy tiềm năng về du lịch của tỉnh. Và minh chứng cho sự hấp dẫn của lễ hội Dạ cổ hoài lang chính là việc Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã công nhận lễ hội là một điểm hẹn văn hóa, một điểm nhấn tiêu biểu trong du lịch của khu vực.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook