Đặt Tour: 0902 107 107

Tìm về núi Cấm An Giang - đất thiêng giữa đại ngàn

Tọa lạc ở vùng đất thiêng An Giang, núi Cấm là địa danh nổi tiếng được rất nhiều người biết đến. Gắn liền với những câu chuyện ly kỳ cùng vẻ đẹp thu hút nổi bật, nơi đây là một trong những vùng trọng điểm cho những ai đến tham quan và du lịch đất Bảy Núi.

1. Núi Cấm ở đâu? Hướng dẫn đường đi đến núi Cấm

Ngoài tên gọi Núi Cấm, người ta còn biết đến nó với những tên gọi khác như: Thiên Cấm Sơn hay Thiên Cẩm Sơn. Núi Cấm thuộc địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Với độ cao gầm 800 mét so với mực nước biển, đây là một trong những ngọn núi cao nhất đồng bằng sông Cửu Long.


nui-cam-an-giang

Khu du lịch núi Cấm nhìn từ trên cao

Cùng với núi Cấm, An Giang còn có 6 ngọn núi khác nữa là núi Cô Tô, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Nước, núi Dài Năm Giếng. Chính vì thế, cái tên Bảy Núi ra đời, dùng để ám chỉ vùng đất thiêng An Giang

2. Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Núi Cấm

Núi Cấm tọa lạc ở gần biên giới Campuchia, quanh năm bốn bề đều có mây phủ, cây xanh bao quanh. Đến núi Cấm An Giang vào bất kì mùa nào cũng cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ của nó. Tuy nhiên, tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là thời điểm đẹp nhất để đi du lịch tại đây. Lúc này, An Giang vào mùa nước nổi, ngoài việc trải nghiệm cảm giác bình yên trên đỉnh núi Cấm, bạn còn có thể ghé thăm rừng Tràm Trà Sư, chợ Châu Đốc để thưởng thức những món ăn thật độc đáo.


dap-nui-cam

Hình ảnh con đập ở núi Cấm


3. Chơi gì ở núi Cấm? Chọn lọc những trải nghiệm thú vị nhất

Ngoài địa phận núi Cấm còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ, nơi đây còn có khu du lịch Lâm viên Núi Cấm Châu Đốc và một số đền chùa xung quanh, tạo nên khu vực tham quan đa dạng, mang đến nhiều trải nghiệm độc đáo.

Núi Cấm có gì chơi? Câu trả lời không phải một mà là có rất rất nhiều lựa chọn để bạn tham khảo khi đến đây.

3.1 Vui chơi tại khu du lịch Lâm viên Núi Cấm

Khi vừa đến chân núi, bạn đã thấy cổng chào của khu du lịch Núi Cấm hiện ra sừng sững với con đường nhựa cực lớn dẫn vào bên trong. Đi theo bảng chỉ dẫn, bạn sẽ đến được khu du lịch. Với diện tích hơn 100ha, khu du lịch có đầy đủ các dịch vụ phục vụ giải trí và nghỉ dưỡng như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí thư giãn với câu cá, cưỡi đà điểu, khu vui chơi trẻ em, nhà hàng phục vụ ẩm thực miền Tây


khu-du-lich-nui-cam

Quần thể khu du lịch núi Cấm với nhiều công trình khác nhau


cap-tro-nui-cam

Lựa chọn đi cáp treo để có thể dễ dàng lên đỉnh núi và nhìn ngắm bao quát xung quanh


Ấn tượng đầu tiên của đa số du khách khi đặt chân đến núi Cấm chính là cảm giác vô cùng hưng phấn trước không gian quá hùng vĩ, trong lành của vùng đất được mệnh danh Bảy Núi. Đặc biệt, nếu đến đây vào sáng sớm, bạn còn có thể săn mây ngay trên đỉnh núi, cảm nhận không gian bình yên đến khó tả. Chính vì sở hữu nét đẹp độc đáo này mà hàng năm, có hàng ngàn bạn trẻ quyết định phượt An Giang để chinh phục ngọn núi thiêng.


san-may-o-nui-cam

Sáng sớm, núi Cấm vẫn còn chờn vờn trong mây phủ


3.2 Tham quan chùa Vạn Linh

Chùa Vạn Linh do sư ông Thích Trí Tịnh sáng lập, là một trong những ngôi chùa Tịnh độ cực kì nổi tiếng ở miền Tây. Chùa nằm trên đỉnh núi Cấm, là nơi thờ cúng, tu học của nhiều Tăng sinh. Chùa được xây dựng ở độ cao 500 mét so với mực nước biển, phía bên trong chánh điện tạc tượng cây bồ đê cổ thụ vô cùng ấn tượng.


chua-van-linh

Chùa Vạn Linh với những bảo tháp hùng vĩ


phat-nhap-niet-ban-o-chua-van-linh

Tượng Phật nhật Niết Bàn ở khuôn viên chùa


Hằng năm, chùa Vạn Linh tổ chức rất nhiều khóa tu cho Phật tử đến tu học, tham quan,. Một số công ty du lịch uy tín cũng tổ chức tour miền Tây 1 ngày để đưa khách đến đây chiêm lái, lễ lạy.

3.3 Trải nghiệm đi cáp treo núi Cấm

Cáp treo là một trong những điểm nhấn đặc biệt thuộc khu du lịch lâm viên Núi Cấm. Với sự hiện diện của nó, du khách có thể di chuyển lên đỉnh núi dễ dàng chỉ trong 15 phút. Được biết, hệ thống cáp treo gồm 2 nhà ga, 89 cabin và 16 trụ tháp, là một trong những hệ thống cáp treo lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long.


cap-tro-o-nui-cam

Cáp treo ở núi Cấm


Từ tên cáp treo núi Cấm, nhìn qua ô kính, bạn có thể thấy được khung cảnh hùng vĩ, bao la của Thiên Cấm Sơn rộng lớn. Cảm giác vô cùng khó tả!

3.4 Diện kiến tượng Phật Di Lặc lớn nhất

Tượng Phật Di Lặc này thuộc chùa Phật Lớn, tọa lạc trên đỉnh núi Cấm – An Giang. Với khối lượng lên đến 600 tấn, được xây dựng từ năm 1912, cho đến nay tượng Phật này đã được công nhận là tượng Phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam.


tuong-phat-di-lac-o-nui-cam

Tượng Phật Di Lặc ở chùa Phật Lớn


phat-di-lac-chua-phat-lon

Kiến trúc xây dựng vô cùng tinh xảo


Với điểm nấn đặc biệt này, núi Cấm càng thu hút được nhiều người đến tham quan, du lịch.

4 Núi Cấm An Giang – Câu chuyện về ngọn non thiêng và những lời nguyền

Bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ của đại ngàn, núi Cấm còn gắn liền với những câu chuyện mang màu sắc liêu trai như tích truyện Bạch Hổ hóa thần, những lời nguyên trên đất thiêng hay chuyện bắt rắn hổ mây chúa nặng hàng trăm kg…. Tất cả đã tạo nên mảng màu sắc đa dạng, lôi cuốn khi đến với nơi đây.

4.1 Chuyện đạo sĩ Ba Lưới hơn trăm tuổi tay không bắt hổ, bốc thuốc cứu người

Nhắc đến vùng núi Cấm, có lẽ không ai không biết đến ông Ba Lưới, một trong những vị đạo sĩ cuối cùng của vùng núi Thất Sơn. Thọ đến 105 tuổi, có hơn 70 năm lên núi tầm sư học đạo, bốc thuốc cứu người, vị đạo sĩ này đã trở thành huyền thoại trong lòng nhiều người dân cùng xứ.


nui-cam

Từ lâu nay, núi Cấm vẫn gắn liền với những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn


Theo đó, trong một lần lên núi, ông đã từng dùng đòn gánh đãi bại rắn hổ gầm, tiêu diệt cả cọp và heo rừng để giữ bình yên cho bà con trong vùng. Tuy nhiên, điều mà người ta mến mộ nhất ở ông vẫn là tấm lòng từ bi, bác ái, luôn tìm tòi những vị thuốc mới để cứu chữa cho người dân miễn phí.

4.2 Lời nguyền 30 năm trên Vồ Thiên Tuế

Vồ Thiên Tuế là một trong những ngọn đồi nằm trong hệ thống Thất Sơn. Sau nhiều vụ tai nạn có điểm chung là lặp lại trong chu kì 30 năm, nhiều người cho rằng đây là lời nguyền đã được định sẵn. Tuy nhiên, bỏ qua việc bàn luận có hay không, vẫn không thể phủ nhận Thất Sơn là vùng đất vô cùng linh thiêng, gắn liền với những câu chuyện tâm linh mà chỉ mới nghe cũng đủ rùng mình. Với những bạn trẻ mê khám phá, một chuyến tìm phượt núi Cấm là hành trình thú vị để thử thách bản thân.


vo-thien-tue

Một am thờ ở Vồ Thiên Tuế


4.3 Sự tích Bạch Hổ hóa thần

Có dịp đi du lịch núi Cấm An Giang, để ý một chút bạn sẽ thấy người dân ở đây có tục thờ Bạch Hổ. Theo tích xưa kể lại, đây là một ông Hổ có tu luyện, tuy nhiên vì trong quá khứ từng ăn thịt nhiều sinh mạng nên oan gia trái chủ chất chồng. Cuối cùng, vì để hóa giải oán hận, ông đã chết trong một lần trả nợ máu cho những vong hồn. Sau khi thác, ông được người dân tôn làm thần. Người ta còn tin rằng ông đã phù trợ, giúp đỡ người dân rất nhiều mỗi khi bị lạc đường hay gặp chuyện nguy hiểm trong rừng.

5. Một số điều cần lưu ý khi đi phượt núi Cấm

Bên cạnh việc lựa chọn các tour miền Tây 2 ngày 1 đêm hoặc các dịch vụ thông qua công ty du lịch, bạn cũng có thể tự chạy xe máy để phượt núi Cấm. Chắc chắn chuyến đi sẽ mang lại cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị.


suoi-o-nui-cam

Con suối mát ven núi Cấm


So với đi tour, khi đi phượt, bạn phải tự túc toàn bộ chi phí, dịch vụ đi lại, ăn ở, vì thế nếu không có kinh nghiệm, bạn thường gặp một vài rắc rối nho nhỏ. Dưới đây là một số kinh nghiệm cần lưu ý khi muốn đi phượt núi Cấm:

Thuê xe máy đi phượt ở An Giang: đa phần các điểm cho thuê xe ở đây đều yêu cầu bạn xuất trình và để lại chứng minh nhân dân. Vì thế, nhớ mang giấy tờ tùy thân đầy đủ để dễ dàng làm thủ tục. Trước khi nhận xe, kiểm tra xem xe có chạy ổn không. Đoạn đường lên núi Cấm có một số đoạn khá dốc và quanh co, vì thế hãy kiểm tra phanh xe thật kĩ.


rung-tram-tra-su

Kiểm tra xe kĩ trước khi thuê


Mặc đồ gì khi đi du lịch núi Cấm: Trang phục cũng là yếu tố quan trọng cần để ý khi đi phượt. Trong quá trình di chuyển, nên trang bị đầy đủ đồ bảo hộ, giày, bao tay và smartphone để xem bản đồ. Thòi tiết ở An Giang khá nóng, vì thế nên thủ ít nhất một cái áo khoác trong cốp xe.

Khi đi treckking ở núi Cấm, để có những trải nghiệm thú vị nhất, nên đi đường mòn thay vì đường bậc thang, vì đoạn đường cũng không quá gian nan, thêm vào đó dọc đường cũng có những hàng quán để bạn ghé vào mua đồ, nghỉ mệt. Sau chuyến đi núi Cấm, bạn cũng có thể ghé đến rừng Tràm Trà Sư hoặc chợ Tịnh Biên để tham quan.

Một số địa điểm ở An Giang hiện vẫn chưa cập nhập trên Google Map, vì thế nếu không biết đường, bạn cũng có thể hỏi người dân để tham khảo. Theo kinh nghiệm du lịch miền Tây, tốt nhất bạn nên hỏi miệng vì nhiều khi bản đồ chưa chắc đã chỉ đúng.

Đến núi Cấm An Giang, du khách như được trở về chốn non nước yên bình mà bấy lâu vô tình bị lạc mất. Không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ. Đến đây còn là cơ hội để bạn tìm hiểu nét văn hóa mới của người bản địa, nghe người dân kể thao thao bất tuyệt về những câu chuyện thiêng mà chỉ vùng Bảy Núi mới biết.

Có thể bạn quan tâm
chat-zalo
Chat Zalo
facebook message
Facebook